Sự mở rộng của BRICS thúc đẩy tiến trình hội nhập

05:30' - 24/05/2017
BNEWS Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Phát triển Á - Âu Yaroslav Lissovolik nhận định việc mở rộng nhóm BRICS có thể trở thành mô hình hội nhập kinh tế toàn cầu mới.
Việc mở rộng nhóm BRICS có thể trở thành mô hình hội nhập kinh tế toàn cầu mới. Ảnh: Reuters

Bài phân tích về sự mở rộng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) (hay còn gọi là "BRICS +"), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, có thể thúc đẩy tiến trình hội nhập châu lục và toàn cầu đã được hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng tải.

Ông Lissovolik nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Trung Quốc: "Quá trình hội nhập trước đây diễn ra trong phạm vi khu vực và BRICS đem đến một cách thức hội nhập đa dạng, hướng tới việc thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các châu lục và các khu vực trên thế giới, và việc mở rộng khối này sẽ nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập”. 

Theo ông, "BRICS +" là một sáng kiến quan trọng không chỉ nhằm mở rộng căn bản khối này và bao gồm các nền kinh tế phát triển lớn nhất, mà còn để tăng cường sự mở cửa và tiếp cận của các nước ở thế giới đang phát triển đối với tiến trình hội nhập.

Đầu tháng 4/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ tìm hiểu các thể thức mở rộng BRICS và xây dựng quan hệ đối tác rộng rãi hơn thông qua các cuộc đối thoại với các nền kinh tế lớn đang phát triển khác và các tổ chức quốc tế, khu vực để biến BRICS trở thành nền tảng có ảnh hưởng nhất trong quan hệ hợp tác Nam – Nam trên thế giới. 

Các nước thành viên tiềm năng mới của khối kinh tế này là Mexico, Pakistan và Sri Lanka. Ông Lissovolik còn nhấn mạnh: “Các đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về việc mở rộng BRICS không chỉ đúng lúc khi Trung Quốc giữ chức Chủ tịch BRICS mà còn nhằm tạo lực đẩy mới cho tiến trình hội nhập trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và diễn biến phức tạp".

Chuyên gia kinh tế này nhận xét BRICS là một nền tảng lý tưởng để tăng mức độ tiếp cận hội nhập cho các nước đang phát triển.

Theo phân tích của ông Lisovolik, các nước BRICS hiện diện ở gần như tất cả các khu vực chủ chốt của thế giới do đó "việc mở rộng khối này sẽ tạo ra một cơ chế cho việc trao đổi thương mại và các ưu tiên trong đầu tư”. Đồng thời, ông cũng tin rằng hệ thống "BRICS +" sẽ tương tác với các nước phát triển, và trong tiến trình này vai trò của Trung Quốc rất quan trọng.

Mặc dù nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang trở thành quốc gia lãnh đạo kinh tế thế giới trong việc thúc đẩy quá trình mở cửa và hội nhập, nhưng ông Lissovolik cũng chỉ ra rằng cơ chế thực hiện và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống "BRICS+" chưa được xác định rõ ràng.

Các quốc gia "BRICS +" cần tạo thành một liên minh trong các tổ chức quốc tế quan trọng, bao gồm cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích của họ và đàm phán với các nước phát triển về tự do hóa thương mại và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Đáng chú ý là BRICS được hỗ trợ mạnh mẽ bởi quan hệ gần gũi giữa Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây.

Theo chuyên gia kinh tế trên, với sự tham gia tích cực của các quốc gia chủ chốt khác trong việc thực hiện các dự án đầu tư, sự hợp tác này có thể dẫn tới sự hình thành một vành đai lục địa Á - Âu hùng mạnh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà các nước đang phát triển hiện phải đối phó, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng và kích thích hợp tác đầu tư giữa các quốc gia thành viên.

Ngân hàng Phát triển Mới là một ngân hàng phát triển đa phương của các nước BRICS được tạo ra để huy động các nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các thành viên BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác.

Chính thức hoạt động vào năm 2016, ngân hàng này đã thông qua chương trình cho vay đầu tiên, trị giá hơn 1,5 tỷ USD, cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và giao thông vận tải ở một số quốc gia thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục