Thách thức của dự án khí đốt tại Alaska giữa Mỹ và Trung Quốc

06:30' - 23/11/2017
BNEWS Theo trang Oilprice.com, dự án quy mô 43 tỷ USD mới được ký kết giữa các đối tác Mỹ và Trung Quốc về phát triển tuyến đường ống khí đốt tại Alaska còn thiếu các cam kết cụ thể về nguồn tài chính.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh, trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh, phải) tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 9/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn dầu khí Sinopec lớn nhất của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với các đối tác Mỹ về nghiên cứu triển khai dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí và trạm tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) ở Alaska, phục vụ xuất khẩu có trị giá lên đến 43 tỷ USD.

Dự tính, dự án này sẽ chuyển khí đốt từ bồn địa Bắc Slope (North Slope) ở Alaska tới bờ biển phía Nam của bang này để hóa lỏng và xuất khẩu. Đây là một dự án lớn nằm trong một loạt thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ ngày 9-10/11.

Tuy vậy, trên thực tế đó mới chỉ là thỏa thuận khá mơ hồ, không có tính ràng buộc pháp lý, thiếu các cam kết chi tiết liên quan đến nguồn tài chính, các thỏa thuận bao tiêu hay thời gian biểu thực hiện. Việc thiếu vắng những hợp đồng cứng khiến dư luận đặt câu hỏi liệu dự án có thực sự được triển khai hay không.

Chuyên gia Jason Feer tại tập đoàn tư vấn năng lượng Pten & Partner nhìn nhận: “Đây là một tuyên bố điển hình thường được đưa ra tại các hội nghị thượng đỉnh quy mô; không ai có thể xây dựng hoặc bảo đảm tài chính cho một dự án lớn như vậy trừ khi các chi tiết cấu thành được hoàn tất”.

Thỏa thuận 43 tỷ USD kêu gọi tất cả các bên gồm: Sinopec, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và Tập đoàn phát triển đường ống khí đốt Alaska (Alaska Gasline Development Corp), chính quyền bang Alaska cùng đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan đến dự án, gặp gỡ, thảo luận trong năm 2018 để cập nhật tình hình.

Về lý thuyết, ý tưởng LNG xuất khẩu từ Alaska sang Trung Quốc khá hợp lý. Trung Quốc cần nhập khẩu khí đốt nhiều hơn, trong khi Mỹ lại có sẵn nguồn lợi tự nhiên này.

Ước tính bể North Slope có trữ lượng từ 35-45 nghìn tỷ feet khối khí. Trung Quốc đang nỗ lực làm sạch môi trường, nâng cao chất lượng không khí, do đó khí đốt sẽ đóng vai trò nền tảng trong việc thay thế các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm.

Theo Kerry-Anne Shanks, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt và LNG ở châu Á tại tập đoàn tư vấn Wood Mackenzie, sự kết hợp giữa năng lực xuất khẩu của Mỹ về LNG cũng như nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tăng từ Trung Quốc khiến xuất khẩu LNG từ Mỹ sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay.

Xét về khoảng cách, quãng đường vận chuyển LNG từ Alaska sang Trung Quốc cũng gần hơn so với từ vịnh Mexico, nơi đang là đầu mối xuất khẩu LNG của Mỹ.

Nhưng nếu xét về hiệu quả kinh tế, có nhiều lý do để nghi ngờ tính khả thi của việc xây dựng tuyến đường ống dài gần 1.300 km bao trùm toàn bộ bang Alaska, chạy qua các vùng địa hình hiểm trở, xa xôi.

Nhiều tập đoàn dầu khí lớn đã phải bỏ cuộc, cũng vì nguyên nhân trên. Sau nhiều năm xem xét, Exxon Mobil quyết định từ bỏ dự án phát triển LNG tại Alaska hồi năm 2016. Quyết định được đưa ra sau khi nguồn cung LNG dồi dào được tung ra thị trường, đẩy giá LNG ở Đông Á xuống mức thấp.

Tập đoàn Wood Mackenzie cùng thời điểm cũng đưa ra nhận định, phát triển LNG ở Alaska thuộc diện “kém cạnh tranh nhất” so với các dự án LNG khác trên thế giới. Exxon Mobil rốt cuộc xem dự án LNG ở Alsaka không hiệu quả. BP và ConocoPhillips, hai đối tác của Exxon trong dự án này, cũng thoái lui.

Thế nhưng chính quyền bang Alaska, do lo ngại về nguồn tài chính co hẹp khi doanh thu dầu mỏ giảm sút, vẫn không chịu từ bỏ. Chính quyền bang này đã mua cổ phần trong dự án, còn các quan chức Alsaka gấp rút tìm kiếm các đối tác thay thế. Thống đốc Bill Walker hy vọng Trung Quốc sẽ là nhân tố giúp thúc đẩy dự án.

Theo ông Walker, tuyến đường ống và trạm xuất khẩu LNG ở Alaska sẽ tạo ra doanh thu 8-10 tỷ USD/năm. Ông hy vọng các thỏa thuận cụ thể sẽ thành hình trong năm 2018, với mục tiêu bắt đầu khai thác vào năm 2024 hoặc 2025. Trung Quốc được cho là sẽ bao tiêu 3/4 sản lượng LNG.

Cũng như nhiều hợp đồng khác được công bố nhân chuyến thăm của ông Trump, thỏa thuận giữa các đối tác Trung Quốc và Mỹ về phát triển, xuất khẩu LNG từ Alaska mới chỉ dừng trên giấy. Sinopec có thể sẽ đưa đẩy trong một thời gian, nhưng cũng có thể dễ dàng từ chối triển khai bất cứ lúc nào.

Khi giá LNG tụt xuống dưới ngưỡng 10 USD/MMBtu, sẽ rất khó để chính quyền Alaska thuyết phục các tập đoàn, công ty bỏ ra số vốn lên đến gần 50 tỷ USD để xây dựng đường ống dẫn khí, trạm tiếp nhận và xuất khẩu LNG khi mà nguồn cung đã dư thừa và còn một danh sách dài các dự án khác hấp dẫn hơn đang chào mời các nhà đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục