Đằng sau các thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 21/11/2017
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên, trong đó Bắc Kinh là chặng dừng được chú ý nhất với hơn 250 tỷ USD giá trị thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (trái) tại lễ đón ở Bắc Kinh ngày 9/11. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ thông báo đạt được các thỏa thuận thương mại trị giá 253 tỷ USD với Trung Quốc nhân chuyến công du Bắc Kinh đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Giới quan sát đánh giá nhiều dự án trong số đó còn là “những vùng đất đầy sương mù” và tài thương thuyết của ông Trump đã không lay chuyển được chính sách thương mại của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong số đó, chỉ riêng dự án đầu tư của Trung Quốc để cùng khai thác khí đốt trong vùng Alaska của Mỹ trong tương lai cho phép tạo 12.000 việc làm, giảm 10 tỷ USD thâm hụt thương mại của Trung Quốc so với Mỹ hàng năm, như các thông cáo chính thức cho thấy.
Đó là những yếu tố cho phép ông Trump chứng minh với công luận trong nước rằng ông thực sự là vị tổng thống “đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết”, đạt được mục đích kêu gọi đối tác thương mại Trung Quốc đầu tư vào nước Mỹ, tạo việc làm cho người dân Mỹ.
Ngoài ra phía Bắc Kinh còn tặng cho lãnh đạo Mỹ một món quà khi thông báo kế hoạch “mở cửa thị trường tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài”.
Trong ba năm tới các công ty Mỹ sẽ được quyền nắm giữ đến 51% các liên doanh với Trung Quốc thay vì chỉ từ 20% cho tới 49% cổ phần vốn như hiện tại. Phương Tây coi đây là một bước tiến quan trọng. Một lời hứa khác của Trung Quốc là nước này sẽ giảm thuế nhập khẩu áp vào xe ô tô Mỹ.
Trước những hứa hẹn đó và hơn 250 tỷ USD thỏa thuận thương mại, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại thận trọng cho rằng về thực chất, đây là một “bước tiến nhỏ” trên con đường cân bằng hóa cán cân thương mại Mỹ-Trung. Báo chí tại New York và Washington lưu ý, phần lớn các thỏa thuận Mỹ vừa đạt được với Trung Quốc “không mang tính ràng buộc” hay mới chỉ là “những văn bản ghi nhớ”.
Nhìn từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích sâu hơn về thực chất gói 253 tỷ USD mà Tổng thống Trump “thu hoạch” được tại Bắc Kinh lần này. Theo ông Nghĩa, đây là những “bản ghi nhớ” liên quan đến 37 dự án kinh doanh, trong đó có nhiều hợp đồng đã đạt được trước đó và cả những dự án hai bên còn phải đàm phán.
Vì tính chất mơ hồ ấy, giá trị các thỏa thuận có thể ước tính lên đến 250 tỷ USD, thậm chí 280 tỷ USD, nhưng việc thực hiện chúng sẽ kéo dài trong nhiều năm, hay trong 20 năm nữa, như dự án khí đốt và hóa chất tại tiểu bang West Virginia.

Logo của hãng Boeing trên chiếc máy bay Boeing 787-10 Dreamliner. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Nghĩa chỉ ra rằng việc Boeing bán 300 máy bay trị giá 37 tỷ USD cho Trung Quốc đã được đàm phán từ năm 2013 và chiếc máy bay đầu tiên chỉ được giao vào năm 2020.
Trong khi đó, dự án bán khí hóa lỏng của tiểu bang Alaska được thương thảo từ năm 2012 giữa nhiều doanh nghiệp mà chưa ngã ngũ, có lúc giá trị thỏa thuận ước tính là 65 tỷ USD rồi giảm xuống còn 43 tỷ USD, và nếu có thành hiện thực thì dự án này cũng mất cả chục năm để thực hiện.

Dù sao, những thỏa thuận sơ khai ấy cũng góp phần giải tỏa mâu thuẫn kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc và là cử chỉ chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định Trung Quốc cần công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực, nhưng điều quan trọng nhất là giải tỏa mâu thuẫn kinh tế với Mỹ. Chính quyền Donald Trump cũng cần chứng tỏ với dư luận trong nước là ông đã tranh đấu để thu hút đầu tư vào Mỹ nhằm tạo ra việc làm cho người dân, nhất là tại các tiểu bang có ảnh hưởng chính trị cho việc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng sau khi hợp đồng đã được ký kết, hai bên mới bắt đầu các cuộc thảo luận thực tế và khi đó những chính sách bảo hộ mà Bắc Kinh dành cho các tập đoàn quốc doanh mới thực sự thể hiện.
Theo ông Nghĩa, đằng sau con số 250 tỷ USD kia, chưa thể dự đoán Mỹ sẽ phải nhượng bộ những gì, cụ thể như về dự án khai thác khí ở Alaska hay dự án đầu tư 5 tỷ USD của tập đoàn quốc doanh China Investment Corp. vào tổ hợp Goldman Sachs.
Từ nhiều năm nay, tiểu bang Alaska mong muốn khai thác khí đốt và dẫn khí tới Canada và hợp tác với nhiều doanh nghiệp quốc tế khác mà chưa thành công.

Lần này, dự án trị giá 43 tỷ USD do liên doanh Alaska Gasline Development Corporation giữa Alaska và tập đoàn năng lượng và các ngân hàng quốc doanh Bắc Kinh như Sinopec, China Investment Corporation và Bank of China còn phải chờ chính quyền liên bang chấp thuận.
Về dự án của Goldman Sachs với China Investment Corporation, ông Nghĩa nhắc lại việc chính quyền Donald Trump đã bác bỏ thương vụ một doanh nghiệp Trung Quốc mua lại một hãng chế tạo vi mạch tích hợp vì lý do an ninh.
Tuy nhiên, ông Nghĩa chú ý tới việc Bắc Kinh chấp nhận cho doanh nghiệp đầu tư quốc tế mua từ 51% tới 100% vốn của các quỹ đầu tư chứngkhoán của họ. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Uông Dương còn rằng từ nay Trung Quốc không yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Đây là quyết định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài mà cũng là một nhượng bộ cho doanh nghiệp tại Wall Street vì họ có thể gia nhập thị trường Trung Quốc để thực hiện nghiệp vụ trung gian của các dự án đầu tư tài chính.
Các tổ hợp đầu tư như Goldman Sachs hay Morgan Stanley sẽ có cơ hội kiếm lời nếu thẩm định được rủi ro trong một thị trường tài chính khá mờ ảo của Trung Quốc. Có lẽ Bắc Kinh mở cửa cho Wall Street để mong doanh nghiệp Mỹ sẽ vận động chính trường Mỹ cho họ.
Nhìn chung, nếu chỉ xét trên phương diện kinh tế, cán cân thương mại chỉ là một phần của cán cân vãng lai. Khi Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc tới hơn 300 tỷ USD như chính quyền Donald Trump vẫn phàn nàn thì Mỹ cũng được thặng dư về vốn, tức là Trung Quốc phải rót 300 tỷ USD vào thị trường Mỹ, nhờ đó mà lãi suất Mỹ giảm và người Mỹ mua hàng rẻ và chi tiêu nhiều hơn.
Nhìn ngược lại từ Bắc Kinh, đây lại là nạn thất thoát vốn mà chính quyền Tập Cận Bình đang muốn hạn chế. Họ muốn các tập đoàn quốc doanh chủ động đầu tư ra nước ngoài để thu về kiến thức và chiếm lĩnh thị trường chứ không muốn doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đầu tư ở ngoài và gây thêm khó khăn về vấn đề ngoại hối.
Một ghi nhận khác, là tại Bắc Kinh, Tổng thống Trump không còn đổ lỗi cho Trung Quốc về việc “cướp công ăn việc làm” của người dân Mỹ mà ông lại quy trách nhiệm thâm hụt cán cân thương mại triền miên cho những đời tổng thống tiền nhiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục