Tháng 1, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh

16:14' - 29/01/2018
BNEWS Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng 1 tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 330 triệu USD.

Hàn Quốc “tỏa sáng” trong thu hút FDI năm 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng cục Thống kê vừa công bố, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2018 thu hút 166 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 442,6 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 64,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 61 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 456,8 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 899,4 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2018 ước tính đạt 1.050 triệu USD, tăng hơn 10% so với tháng 1/2017.

Trong tháng còn có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 356 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 199 triệu USD và 203 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 156,9 triệu USD.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 330 triệu USD, chiếm 74% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 60 triệu USD, chiếm 13,5%; các ngành còn lại đạt 52 triệu USD, chiếm 11,8%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2018 đạt 746 triệu USD, chiếm 83% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 60 triệu USD, chiếm 6,7%; các ngành còn lại đạt 92 triệu USD, chiếm 10 %.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 162 triệu USD, chiếm 45,6% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 60,7 triệu USD, chiếm 17%; các ngành còn lại đạt 133 triệu USD, chiếm 37%.

Cả nước có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong tháng 1/2018; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký lớn nhất với 86,2 triệu USD, chiếm 19,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nam Định 80,2 triệu USD, chiếm 18,1%; Ninh Thuận 60 triệu USD, chiếm 13,6%; Bình Dương 36,7 triệu USD, chiếm 8,3%; Long An 35,2 triệu USD, chiếm 7,9%; Bắc Giang 27,3 triệu USD, chiếm 6,2%; Hà Nội 25,7 triệu USD, chiếm 5,8%.

Trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1/2018, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 147,7 triệu USD, chiếm 33,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 70,4 triệu USD, chiếm 15,9%; Na Uy 70,1 triệu USD, chiếm 15,8%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 51,4 triệu USD, chiếm 11,6%; Trung Quốc 20,1 triệu USD, chiếm 4,5%; Indonesia 20 triệu USD, chiếm 4,5%..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục