Thiết lập phòng vệ thương mại để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước

15:05' - 06/11/2017
BNEWS Nhằm thiết lập phòng vệ thương mại thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương đã có những khởi động để hạn chế nhập mặt hàng Việt Nam sản xuất được dù vấn đề này đang còn khá nan giải.
Thiết lập phòng vệ thương mại để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Ảnh minh họa: Thanh Liêm-TTXVN

Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu thực phẩm ngoại được lý giải một phần là do khối ngoại đang chiếm phần lớn thị phần bán lẻ hiện đại tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị mini...tại Việt Nam.

Điển hình là trường hợp các ngành hàng về nông- lâm-thủy sản của Việt Nam, vốn được kỳ vọng nhiều trong xuất khẩu, nhưng vẫn gặp khó khăn đầu ra ở thị trường trong nước khi giá cả luôn bấp bênh.

Cùng với đó, những hàng hóa thông thường của ASEAN đang xâm nhập Việt Nam theo chuỗi bán lẻ lớn như: hàng tiêu dùng, hoa quả, thực phẩm, hàng may mặc khiến trị giá nhập khẩu gia tăng và nhập siêu lớn.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, điểm hạn chế lớn là cơ cấu nhập khẩu nhóm hàng nguyên- nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng trong nước tiếp tục cao.

Thịt ngoại nhập khẩu đang là mối đe dọa lớn cho sức tiêu thụ của ngành chăn nuôi nội địa. Ngoài ra, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên - nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành cũng vẫn còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài.

Chính điều này đã khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Lo ngại hơn là hệ lụy từ việc gia tăng dẫn tới nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả sẽ biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Bà Phạm Châu Giang, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế.

Theo bà Phạm Châu Giang, các biện pháp phòng vệ thương mại đựợc xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước.

Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định nhằm thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa đúng với tư duy của tự do kinh tế.

Cùng với đó, trong hoàn cảnh hàng rào phi thuế quan đang được các quốc gia dựng lên để bảo vệ cho quyền lợi của mình và nền sản xuất trong nước.

Trong các hàng rào phi thuế quan thì ba công cụ phòng vệ thương mại là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ lại đang được áp dụng phổ biến nên doanh nghiệp trong nước cần lưu ý để tận dụng tối đa và sử dụng linh hoạt ba công cụ này.

Thừa nhận những hạn chế trong công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam, bà Phạm Châu Giang cho biết, trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại sân nhà.

Do đó, Bộ Công Thương đang gấp rút làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ sẽ tiến tới xóa bỏ những quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn gây nhiều nhũng nhiễu cho doanh nghiệp trong thời gian qua, từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và thông thoáng để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục