Thiếu nước đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới

16:16' - 04/05/2016
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tình trạng khan hiếm nước gia tăng do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thiếu nước đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. Ảnh: xinhuanet.com

Theo WB, những nước ở khu vực Trung Đông và Sahel (nằm sát sa mạc Sahara ở châu Phi) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì thiếu nước.

Trong báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước và kinh tế công bố ngày 3/5, WB nhấn mạnh những tác động đi liền với tăng dân số, tăng thu nhập và mở rộng các thành phố sẽ kéo theo tăng mạnh nhu cầu về nước trong khi nguồn cung sẽ ngày càng trở nên bất ổn. Do thiếu những giải pháp trực tiếp, nước sẽ dần trở nên khan hiếm.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim khẳng định thiếu nước là một mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định trên thế giới. Phân tích của WB chỉ ra rằng nếu các nước không có biện pháp quản lý tốt nhất nguồn nước, một số khu vực đông dân sẽ có giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế âm.

WB cảnh báo tình hình này sẽ càng trầm trọng thêm tại những khu vực từng thiếu nước như Trung Đông và Sahel. Những khu vực này sẽ có mức tăng trưởng giảm xuống còn 6% từ nay đến 2050 do ảnh hưởng của thiếu nước đến nông nghiệp, y tế và năng lượng. Bên cạnh đó, nguy cơ khan hiếm nguồn nước cũng tác động không nhỏ đến những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo WB, biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hán, đồng thời xảy ra tình trạng tan sông băng và xâm nhập mặt do nước biển dâng cao. Mất an ninh nguồn nước và giá lương thực tăng do hạn hán sẽ kéo theo các nguy cơ xung đột và làn sóng di cư. Tại những khu vực mà tăng trưởng kinh tế lệ thuộc vào nguồn nước mưa, những giai đoạn hạn hán và lũ lụt đã gây ra những làn sóng di cư và thảm kịch bạo lực tại nhiều quốc gia.

Báo cáo của WB cho biết các chính sách và cải cách mạnh mẽ là rất cần thiết để đối phó với vấn đề khan hiếm nước. Quy hoạch tốt trong việc phân phối nguồn nước và đầu tư vào hạ tầng và công nghệ như khử muối và tái sử dụng nước cũng là những giải pháp cần thực hiện để bảo đảm nguồn cung nước.

Hiện có khoảng 1/4 dân số thế giới, tương đương 1,6 tỷ người, đang sống tại các quốc gia gặp phải tình trạng khan hiếm nguồn nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục