Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 1: Thực trạng đầy khó khăn

07:35' - 29/03/2016
BNEWS Tìm giải pháp và động lực cho các Hợp tác xã phát triển đang là vấn đề được Nhà nước cũng như đại bộ phận nhân dân vùng nông thôn trăn trở.
Còn khó khăn khi xây dựng HTX kiểu mới. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, mặc dù hoạt động của các hợp tác xã đã có nhiều đổi mới theo hướng năng động, tự chủ hơn nhưng lĩnh vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

BNEWS xin giới thiệu loạt bài phản ánh với tiêu đề "Tìm động lực cho hợp tác xã kiểu mới".

Bài 1 - Thực trạng và những khó khăn nhìn từ Thủ đô Hà Nội

Luật Hợp tác xã 2012 khi thực hiện được mong đợi sẽ góp sức cho sự phát triển của nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tập thể ở nước ta.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu và có nhiều hợp tác xã nhất, có tầm ảnh hưởng lớn; nếu làm tốt sẽ là bài học để Trung ương đúc kết kinh nghiệm cũng như các tỉnh, thành phố khác học hỏi.

Sau khi thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, Hà Nội đã có nhiều điển hình làm ăn hiệu quả, tạo niềm tin cho nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất.

Bên cạnh đó, không ít hợp tác xã vẫn mang cách làm nửa cũ nửa mới, nặng tính hình thức hoặc loay hoay tìm hướng phát triển với những tồn tại bất cập kéo dài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, với 1.075 hợp tác xã cùng hơn 1 triệu thành viên, chiếm 10% số hợp tác xã của cả nước.

Sắp tròn 3 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực, gần một nửa trong số 1.075 hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội đã thực hiện tổ chức lại, chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thế nhưng khi được hỏi, nhiều Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành hoặc thành viên các hợp tác xã kiểu mới đều cho rằng còn nhiều khó khăn.

Từ ngã ba cây xăng Bình Đà rẽ trái vào Quốc lộ 71 khoảng 3km, đi tiếp thêm hơn 200m trên con đường liên thôn là đến Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Trụ sở hợp tác xã là dãy nhà cũ kỹ, xuống cấp, cỏ dại, cây bụi mọc um tùm.

Theo ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, trụ sở hợp tác xã trước đây là nơi làm việc của UBND xã Tam Hưng và hợp tác xã vừa được tổ chức lại khoảng 5 tháng.

Ông Đỗ Văn Kiên cho biết thêm, Tam Hưng là một xã thuần nông có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất huyện Thanh Oai với 730 ha.

Những năm gần đây, thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố, Tam Hưng đã đưa vào sản xuất các giống lúa có năng suất và có giá trị kinh tế như Bắc thơm số 7, Nếp cái hoa vàng.

Diện tích lúa hàng hóa của xã hiện chiếm 80% diện tích đất nông nghiệp, cho năng suất 12 tấn/ha/năm, cao hơn so với giống lúa thường về giá trị kinh tế.

Trò chuyện về hoạt động của hợp tác xã mới, ông Đỗ Văn Kiên chia sẻ: Điểm mới là sự trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hoạt động có phần năng động hơn, bớt đi sự gò bó do cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ của Nhà nước giảm dần đã kéo theo rất nhiều khó khăn cho hợp tác xã, nhất là nguồn vốn để mua máy móc hỗ trợ khâu sản xuất, bảo quản sản phẩm.

Cụ thể, trước đây thành phố hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy, máy làm đất, nhưng nay mức hỗ trợ chỉ có 75 triệu đồng/máy. Trong khi đó, máy gặt Kobuta hiện có giá hơn 600 triệu đồng/máy.

"Vừa qua, hợp tác xã tổ chức đại hội, tuy nhiên cả hợp tác xã với 2.675 thành viên chỉ huy động được 100 triệu đồng, mỗi người chỉ góp vốn là 50 ngàn đồng", ông Kiên cho biết thêm.

“Muốn huy động vốn thì phải thông qua đại hội còn xã viên phải thấy thành công mới huy động được vốn. Mà muốn đi vay phải có tài sản thế chấp, nhưng đất của hợp tác xã thì không thể thế chấp”, ông Kiên đăm chiêu nói.

Việc một hợp tác xã kiểu mới như Tam Hưng “phàn nàn” thiếu vốn phục vụ hoạt động sản xuất không phải là riêng biệt.

Hai tháng sau khi tổ chức đại hội thành viên, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Ước cũng loay hoay trước tình trạng thiếu "bầu sữa" Nhà nước, còn thành viên góp vốn ít, khiến những phương án hoạt động của đơn vị này trở nên thụ động, các kế hoạch dài hơi trở nên dang dở.

Xác nhận điều này, ông Nguyễn Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ước chỉ rõ: Luật Hợp tác xã 2012 quy định vốn góp tối thiểu mà các thành viên phải góp vào vốn điều lệ của hợp tác xã, nhưng lại không quy định cụ thể là bao nhiêu.

HTX dịch vụ tổng hợp Tam Hưng, Thanh Oai (Hà Nội) đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Điều đó dẫn đến tình trạng hợp tác xã rất đông người nhưng lượng tài chính đóng góp lại quá hạn chế. Khi thiếu nguồn vốn, việc đề ra và thực hiện những phương án, cách làm táo bạo dường như không khả thi. Khi chưa có các đề án, phương án khả thi, việc huy động vốn từ thành viên dường như là không thể.

“Việc vay vốn rất khó vì hầu hết các hợp tác xã chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được ký hợp đồng thuê đất lâu dài để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thế chấp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, ngành nghề cũ.

Bên cạnh đó, mỗi thành viên một ý sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Tại xã Tân Ước có 600 ha đất nông nghiệp, chỉ cần một vài thành viên có thửa ruộng trên cánh đồng đòi tách ra, không tham gia vào các dịch vụ chung khiến cả hợp tác xã lúng túng.

Trong thực tế, hợp tác xã trước khi đại hội phải tổ chức hội nghị tuyên truyền tới 29 lần để vận động, thống nhất ý kiến và lên phương án nhân sự”, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết thêm.

Ông Vũ Minh Sơn - Chủ tịch UBND xã Tân Ước cho rằng, muốn hướng tới hợp tác xã hiệu quả phải hướng tới cánh đồng mẫu lớn, tập trung tổ đội sản xuất và Hội đồng quản trị phải là những người tâm huyết, có trình độ.

Nếu như áp dụng Luật hợp tác xã 2012 mà các hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kiểu "bình mới, rượu cũ" thì các hợp tác xã nông nghiệp sẽ có nguy cơ thu nhỏ./.

>> Bài 2 - Trình độ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục