Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 3: Sức mạnh của hợp tác xã kiểu mới

08:13' - 30/03/2016
BNEWS Động lực là đưa mô hình sáng tạo này phát triển vững mạnh, góp phần giúp nông dân làm giàu ổn định, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện những "cầu nối" sáng tạo.
Mô hình sáng tạo này giúp nông dân làm giàu ổn định. Ảnh: TTXVN

Với cách làm thực sự, không chấp nhận chỉ là câu chuyện thay tên, hay "bình mới, rượu cũ", bởi động lực là đưa mô hình sáng tạo này phát triển vững mạnh, góp phần giúp nông dân làm giàu ổn định, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện những "cầu nối" sáng tạo.

Đây là những hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã 2012 với cách làm ăn hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, đang từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tạo niềm tin cho nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất.

Xã Phú Phương, huyện Ba Vì, những ngày cuối tháng 3, tiết trời se lạnh, đôi lúc mưa lất phất. Đặt chân đến vùng đồng đất có diện tích 435,6 ha nằm ven sông Hồng, hình ảnh hút ánh mắt là những cánh đồng khoai tây xanh ngút đang hình thành bên những thửa đất bãi trồng ớt, những cánh đồng ngô tươi rộng mênh mông đang được người dân cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận.

Vừa dùng cuốc bới quanh gốc khoai tây xanh mơn mởn trên thửa đất có diện tích hơn 8 sào của mình, chị Lê Thị Hảo, thôn Phương Châu, xã Phú Phương cho biết: Các năm trước, gia đình chị trồng ngô theo giống cũ, nhưng vừa qua, tin vào phương án sản xuất của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phương, chị mạnh dạn bắt tay vào sản xuất ngô tươi và khoai tây Đức.

"Thấy hiệu quả hơn hẳn gần bốn lần hoa màu cũ. Trước 1 ha ngô thì giá chưa đầy 1 triệu đồng, nay giá tới 3 triệu 6 trên mỗi ha. Hợp tác xã lại bao tiêu từ đầu đến cuối nên rất yên tâm. Bây giờ, cả xã đều làm rồi!", chị Lê Thị Hảo phấn khởi cho biết.

Đang đặt chiếc bẫy chuột vào hốc đất trên luống khoai tây gần đó, chị nông dân thôn Phương Châu, Phạm Thị Hồng Liên- thành viên đội 1 Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phương, cũng vui vẻ xen vào góp chuyện: "Nông dân nghèo lắm, gia đình chúng tôi có 4 người thì đều trông vào ngô với khoai thôi. Nhà nước cứ có chính sách tốt thì nông dân chúng tôi đón nhận và ủng hộ tích cực thôi".

Nheo mắt cười vui, ông Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phương, nói giọng chất phác: Gần một năm mới thuyết phục được bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hoa màu cũ sang ngô tươi, ớt, khoai tây Đức. Các phương án hợp tác xã đưa ra đem lại giá trị cao gấp ba, bốn lần với trước nên bà con hào hứng tham gia.

"Xã đã hoàn thành mô hình khoai tây, ớt và đang tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số công ty để sản xuất ngô tươi, đậu tương, chè Atiso. Chúng tôi đang thuê 30 ha đất của dân và sẽ chuyển đổi số này sang sản xuất ngô và việc sản xuất sẽ theo cơ giới hóa", ông Nguyễn Văn Vượng tự hào kể.

Mô hình trông nấm cho thu nhập cao ở HTX Dịch vụ Tổng hợp Đại trường, huyện Ba Vì – Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đi dọc con đường bê tông liên xã, liên thôn, ông Nguyễn Văn Vượng, thổ lộ việc chuyển đổi, tổ chức lại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phương. Ông cho biết, muốn chuyển đổi cần thực hiện tốt việc công khai tuyên truyền bản chất mô hình mới để người dân biết mình có lợi gì, lợi nhuận hợp tác xã ở đâu và ai hưởng lợi; ý nghĩa việc thành viên góp vốn cho hợp tác xã kinh doanh; công khai tài sản, vốn quỹ, công nợ để người dân được biết và công khai các bước tổ chức lại hợp tác xã.

"Từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2015 chúng tôi xây dựng các phương án, đề án sản xuất kinh doanh, kế hoạch chuyển đổi, công khai tài chính, trò chuyện trực tiếp để bà con hiểu... mà đến tháng 1 năm nay mới tổ chức đại hội thành viên. Hiện nay, hợp tác xã có 850 thành viên, là hợp tác xã toàn xã duy nhất của Hà Nội", ông Nguyễn Văn Vượng cười nói.

"Ở mô hình này, chính xã viên là những người sản xuất cho mình, tự mình sản xuất, tự mình kinh doanh, tự làm hiệu quả cho chính mình. Từ thực tế đấy, các thành viên thấy hiệu quả nên trách nhiệm cá nhân sau chuyển đổi rất cao chứ không như thời trước, hết ngày là về. Cáy hay nữa của việc chuyển đổi là mình có vốn góp để mua sắm tài sản.

Như đầu năm nay hợp tác xã huy động được 170 triệu, trung bình vốn góp của mỗi thành viên là 200 ngàn đồng, số vốn này đem mua máy móc để tiếp tục phục vụ cho bà con thành viên hợp tác xã. Thấy làm ăn có hiệu quả, hiện các thành viên đang đề nghị có thể đến đầu năm 2017 sẽ tăng vốn lên đến 500 ngàn đồng mỗi người", ông Vượng phấn khởi cho biết.

Rời đồng đất Phú Phương đến Hợp tác xã Đại Trường ở Tản Hồng, Ba Vì và Hợp tác xã Hoàng Long ở Tân Ước, Thanh Oai. Đây là những điển hình của mô hình ít xã viên- sự khác biệt giữa mô hình mới và cũ, hoạt động năng động, hiệu quả và được đánh giá cao.

Ở Tản Hồng, anh Lê Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Đại Trường cho biết, thành lập tháng 7 năm 2013, với 25 thành viên và vốn điều lệ 4,8 tỷ đồng. Hợp tác xã thầu 2ha đất sản xuất ở khu đất bãi ven sông Hồng và tập trung vào dịch vụ máy cày bừa đất, trồng nấm và xây dựng giao thông thủy lợi. Nội bộ hợp tác xã gắn bó, anh em thành viên nhiệt huyết và luôn cố gắng từng giây từng phút.

"Chúng tôi đã trải qua những khó khăn nhất của một hợp tác xã kiểu mới. Thấy rằng, khó khăn nhất của một hợp tác xã muốn phát triển, sau chuyện vốn, đất là khoa học kỹ thuật. Rất mừng là chúng tôi đang từng bước giải quyết được những khó khăn đó. Hiện nay các dịch vụ trồng nấm, linh chi, mộc nhĩ đang có nhiều triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định", anh Trường vui vẻ nói.

Nói về trang trại chăn nuôi quy mô lớn với đàn hơn 3.000 con lợn thịt, được nuôi theo mô hình hiện đại của mình, ông Nguyễn Trọng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hoàng Long, cho biết: "Để có được thành công đó không phải dễ dàng, suôn sẻ mà đầy cam go. Ban đầu, mỗi anh em chạy vạy, vay vốn khắp nơi để đóng góp trung bình 500 triệu đồng/người.

Tháng 10 năm 2007, trang trại được khởi công, rồi xây dựng đến đâu, chăn nuôi đến đó. Thu hoạch xong lứa nào, đồng vốn lại tiếp tục quay vòng tái đầu tư cơ sở vật chất. Cứ thế, trang trại dần lớn mạnh và ngày càng hoàn thiện. Và đến nay, đàn lợn được chăn nuôi bằng thức ăn sinh học và không lâu nữa sẽ tiến tới xóa bỏ việc dùng thức ăn công nghiệp.

Hiện nay trang trại xuất chuồng hơn 800 tấn lợn thịt cùng với hàng nghìn con lợn giống, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Thị trường cung cấp không chỉ gói gọn ở trong địa bàn xã, huyện mà còn vươn ra được cả thành phố Hà Nội và cách tỉnh lân cận", ông Long cho hay.

Chia sẻ việc lựa chọn thức ăn sinh học là hướng đi lâu dài, bền bỉ, ông Nguyễn Trọng Long bộc bạch: Sau hiệp định thương mại TPP, sẽ có xu hướng cắt giảm thuế quan, nhập khẩu trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ. Thịt đông lạnh sẽ phát triển do yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày một tăng lên, thịt nóng ngoài chợ sẽ không đáp ứng được.

Cũng vì vậy, việc Hợp tác xã Hoàng Long chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học vừa là đáp ứng, đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phầm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa là đón sức ép cạnh tranh từ làn sóng TPP.

Ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho biết thêm, những hợp tác xã kiểu mới này đang giúp xã định hình rất lớn trong phát triển kinh tế phong phú, đa dạng. Riêng doanh thu của mỗi hợp tác xã chăn nuôi lợn Hoàn Long đã cao hơn thu nhập trên 206 ha lúa của toàn xã./.

Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 1: Thực trạng đầy khó khăn

Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 2: Trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu

Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 4: Những “đòn bẩy” cho phát triển bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục