Tìm động lực cho HTX kiểu mới - Bài 2: Trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu

14:20' - 29/03/2016
BNEWS Hợp tác xã hoạt động hiệu quả như thế nào vẫn đang là vấn đề "nóng" và cũng là đòi hỏi từ thực tế phát triển.

Để đáp ứng được điều đó, quan trọng nhất là phải có Hội đồng quản trị gồm các nhà quản lý tâm huyết, có trình độ, đưa ra được những phương án kinh doanh hiệu quả. Nhưng theo Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, có đến 71,5% trong số 2009 cán bộ Ban quản trị Hợp tác xã chưa chạm đến trình độ trung cấp.

Xã An Phú nằm giáp ranh giữa huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và hai huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy (Hòa Bình). Xã miền núi duy nhất huyện Mỹ Đức này có diện tích tự nhiên rộng gần 2.800 ha, dân cư thưa thớt với 13 thôn, 2.216 hộ dân với 8.875 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường.

Vì nông nghiệp là nghề chính của xã nên chính quyền địa phương xác định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ then chốt với chủ trương chung gồm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, đồng thời phát huy lợi thế của vùng đất gò đồi, rừng rộng và diện tích đất canh tác màu mỡ.

Trong bối cảnh đó, Hợp tác xã nông nghiệp An Phú - “cầu nối” giữa nông dân với doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữ vai trò chủ động đưa các giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy; đồng thời vận động nhân dân dồn ô đổi thửa, phát triển mô hình kinh tế trang trại...

Mô hình trông nấm cho thu nhập cao ở HTX Dịch vụ Tổng hợp Đại trường, huyện Ba Vì – Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trong câu chuyện về Luật Hợp tác xã 2012, ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Huyện có 22 hợp tác xã thực hiện tổ chức lại, chuyển đổi theo quy định, còn 1 đơn vị đang triển khai thực hiện. Hợp tác xã An Phú là một trong các hợp tác xã kiểu mới theo quy định. Nhưng đến nay, sau một thời gian thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại thì tồn tại lớn nhất của các hợp tác xã này nối sau vấn đề thiếu vốn là trình độ quản lý của đội ngũ Hội đồng quản trị hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu.

"Việc huy động được tất cả nguồn vốn của các thành viên cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi một phần do trình độ quản lý của đội ngũ quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể như Hợp tác xã nông nghiệp An Phú, thực hiện chuyển đổi từ đầu năm 2016, hiện nằm trong diện đặc biệt khó khăn, trình độ cán bộ yếu kém, giao thông cách trở nên việc triển khai các mô hình rất khó khăn", ông Lê Văn Cành chỉ rõ.

Huyện Ba Vì có 468 cán bộ quản lý hợp tác xã nhưng chủ yếu là tuổi cao, trình độ yếu kém chiếm đến 64,88%, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới của “bộ máy” này gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc không ít các hợp tác xã trên địa bàn huyện dù tổ chức lại nhưng mô hình hoạt động vẫn nặng tính hình thức, thiếu vốn, thiếu nguồn lực phát triển...

Ông Hứa Bá Trình, cán bộ phòng Kinh tế UBND huyện Ba Vì, cho biết: Huyện có 31 xã nhưng có tới 93 hợp tác xã, phần lớn là quy mô thôn, đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Đến cuối tháng 6/2016, hơn một nửa số hợp tác xã trên sẽ phải chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật, trong khi hầu hết các xã này chưa tìm được mô hình, phương án hoạt động hiệu quả. Trên địa bàn có 17 hợp tác xã phải giải thể vì hoạt động yếu kém, Ban quản trị hoạt động không hiệu quả, tập trung chủ yếu ở các hợp tác xã miền núi.

Mô hình trông nấm cho thu nhập cao ở HTX Dịch vụ Tổng hợp Đại trường, huyện Ba Vì – Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trong báo cáo 5 năm thực hiện củng cố, phát triển hợp tác xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cũng đã nhìn nhận vấn đề yếu kém của "bộ máy" này. Cụ thể, năm 2009 chỉ có 15,5% cán bộ Ban quản trị hợp tác xã có trình độ đại học, cao đẳng; 13% cán bộ có trình độ trung cấp.

Phần lớn các hợp tác xã hoạt động chưa theo đúng Luật, xã viên không góp vốn mới, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động kinh doanh - dịch vụ còn thấp. Nhiều hợp tác xã chưa mở rộng liên kết giữa các hợp tác xã trên địa bàn và doanh nghiệp để đầu tư phát triển, đặc biệt là việc tổ chức cho các xã viên mở rộng liên kết phát triển sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao, quy mô hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản...

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiêm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Phạm Văn An thẳng thắn thừa nhận: Hà Nội có khoảng 40% số hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại, nhưng thực tế không ít nơi có tình trạng cán bộ hội đồng quản trị chỉ đến hợp tác xã 1 - 2 ngày/tuần, xã viên không gắn bó, phương án sản xuất kinh doanh thiếu hiệu quả, lương cán bộ hợp tác xã từ hơn 10 năm nay chỉ vài trăm ngàn đồng.

"Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, tư vấn và hỗ trợ quyết liệt trong xây dựng kinh tế tập thể, thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, củng cố các hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên, còn quá nhiều khó khăn như một số lãnh đạo ở cơ sở thiếu kiên quyết thực hiện; nhiều hợp tác xã chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tổ chức lại...

Mặt khác, việc tổ chức, chuyển đổi lại cũng đòi hỏi phải có thời gian; phải tạo ra một thế hệ, đội ngũ quản lý các hợp tác xã có trình độ, nhiệt huyết, đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo, điều hành được các phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới", ông Phạm Văn An cho biết thêm./.

>> Bài 3 - Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã kiểu mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục