Trung Quốc giảm thiểu tác động tiêu cực từ xung đột thương mại với Mỹ

18:46' - 29/06/2018
BNEWS Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc chiến trên nhiều mặt trận để bảo vệ nền kinh tế, vừa nỗ lực giảm "núi" nợ khổng lồ.
Nhà đầu tư bên cạnh bảng chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán ở Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 19/6. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc chiến trên nhiều mặt trận để bảo vệ nền kinh tế, vừa nỗ lực giảm "núi" nợ khổng lồ, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) và thị trường chứng khoán trong nước liên tục sụt giảm do tác động của cuộc xung đột thương mại với Mỹ.

Trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị áp thuế nhằm vào 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào tuần tới, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bước vào chu kỳ giá giảm (bear market), với các loại chứng khoán liên tục sụt giá và kéo dài.

Nỗi lo về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bao trùm lên thị trường chứng khoán, khi chỉ số Shanghai Stock Exchange Composite giảm khoảng 8% trong 2 tuần qua trước khi khôi phục nhẹ trong ngày 29/6. Trong khi đó, đồng NDT cũng chịu áp lực khi giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 11/2017.

Ông Louis Kuijs, người đứng đầu mảng kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nhận định một cuộc chiến thương mại có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm khoảng 0,3% trong giai đoạn 2019-2020.

Theo ông Kuijs, những bất ổn và rủi ro gia tăng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư xuyên biên giới. Ông lưu ý: "Sẽ có sự tác động đối với tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc, Mỹ và các khu vực khác".

Trong bối cảnh giá cổ phiếu "lao đốc", Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kêu gọi các nhà đầu tư "giữ bình tĩnh", đồng thời cam kết ngân hàng trung ương sẽ nỗ lực giảm thiểu mọi "cú sốc bên ngoài".

Hôm 24/6 vừa qua, PBOC cho biết sẽ giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ (RRR) đối với hầu hết các ngân hàng để giải ngân khoảng 700 tỷ NDT (105 tỷ USD) trong quỹ dành cho các khoản vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại Nomura International, cho biết bước đi này nhằm cung cấp "tính thanh khoản mới cho nền kinh tế thực" và phát "tín hiệu mạnh mẽ của việc nới lỏng chính sách". Tuy nhiên, ông lưu ý mặc dù RRR được cắt giảm, song nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vaanc chưa "chạm đáy" và "tình hình có thể tệ hơn trước khi được cải thiện".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics cho rằng việc cắt giảm RRR là "nhằm hỗ trợ việc hoán đổi nợ trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thay vì đánh dấu một sự thay đổi từ giảm dần và hướng tới việc nới lỏng tiền tệ".

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cắt giảm RRR có thể dẫn tới các điều kiện tiền tệ được nới lỏng hơn căn cứ vào những tín hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng quan tâm hơn tới các rủi ro tiêu cực đối với hoạt động kinh tế trước sự đình trệ của tăng trưởng tín dụng".

Trong bối cảnh Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt tăng trưởng "khoảng 6,5%" trong năm nay, chuyên gia Lu Ting nhận định để đạt được mục tiêu này trước sự tấn công của "những cơn gió mạnh bên trong và bên ngoài", Bắc Kinh có thể phải tăng cường nới lỏng các điều kiện tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, trước sự trượt giá của đồng NDT, Trung Quốc cũng đang nỗ lực triển khai các biện pháp vừa đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và các khoản vay doanh nghiệp, vừa nỗ lực ngăn chặn phát sinh nợ và những rủi ro tài chính./.

>>> Triển vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục