Tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ TPP cao và tiếp tục tăng

20:49' - 15/03/2016
BNEWS Doanh nghiệp lạc quan về TPP, tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ TPP cao và đang tăng lên. Chúng ta có lý do để lạc quan là doanh nghiệp sẵn sàng về tinh thần cho TPP.
Tọa đàm về TPP do Ngân hàng Thế giới và VCCI tổ chức. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi tọa đàm “TPP - Cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi” do Ngân hàng Thế giới VCCI tổ chức ngày 15/3.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI cho biết, theo một khảo sát 10.000 doanh nghiệp năm 2015 của tổ chức này, có tới 68% doanh nghiệp đã biết về TPP.

Tuy nhiên, theo bà Trang, điều đáng lo là trong số đó có tới 70% doanh nghiệp chỉ biết sơ sơ về TPP và chỉ biết qua báo chí. “Doanh nghiệp ủng hộ, nhưng thực chất là sự hứng khởi nhiều hơn, mà hứng khởi thì sợ là qua nhanh”, bà Trang chia sẻ.

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, TPP sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều khía cạnh thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, doanh nghiệp

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, thách thức là làm thế nào để Việt Nam nắm bắt được cơ hội do TPP mang lại, để từ đó có thể tận dụng để thoát khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp”. Ông Phạm Minh Đức ví dụ, hiện Việt Nam có tới 70% doanh nghiệp dệt may chuyên làm cắt may, 90% chuyên gia công hợp đồng, tức là ở khâu thấp nhất của chuỗi giá trị.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Dệt may Trương Văn Cầm cho biết, trong năm 2015 ngành dệt may xuất khẩu trị giá 27 tỷ USD, trong đó 60% là xuất sang các nước sẽ trở thành thành viên TPP. Dù vậy, trong tổng giá trị 27 tỷ USD đó, khoảng 70% là của các doanh nghiệp FDI, và người Việt Nam chỉ hưởng phần nhỏ.

Liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, ông Trương Văn Cầm cho biết thêm, Việt Nam nhập khẩu 10% sợi và 5,3% vải từ các nước TPP, nghĩa là phần lớn còn lại được nhập khẩu từ vùng khác, do đó nếu tính theo nguồn gốc xuất xứ thì Việt Nam được hưởng lợi không nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục