Vấn đề Trung Đông viết lại quan hệ tam giác Mỹ-Âu-Nga

05:30' - 27/05/2018
BNEWS Theo báo Văn Hối (Hong Kong), đối thủ thực sự của Nhà Trắng vẫn là Điện Kremlin và chiến trường chính của cả hai luôn nằm ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước mắt, hòa bình ở Trung Đông đang đứng trước ngã rẽ mới - trong vài ngày tới, kết quả của tổng tuyển cử ở Iraq sẽ hé lộ. Cuộc tổng tuyển cử lần này thực ra là cuộc chiến giữa Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi và người tiền nhiệm Nouri al-Maliki.

Cả hai đều đại diện cho cộng đồng người Shi'ite chiếm đa số ở Iraq, nhưng ông Maliki có quan điểm rõ ràng hơn và giỏi hơn trong việc hòa hoãn mâu thuẫn với cộng đồng người Sunni.

Bất luận thế nào, hai nhân vật này đều không khoan nhượng với phong trào ly khai vũ trang của người Kurd. Trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS), công tác tình báo, huấn luyện, chi viện vũ trang cho người Kurd của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Mỹ và Đức đã gây ra sự bất mãn của cộng đồng người Shi'ite tại Iraq, cho dù đó là phe ôn hòa hay cực đoan.

Bên cạnh đó, ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Đông Jerusalem với lễ khai trương rất trọng thể.

Được biết, các nhân viên của phía Mỹ đã nói rõ rằng họ sẽ không liên lạc với các quan chức Palestines. Động thái của ông Trump chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm sự xa lánh và hoài nghi vào chính quyền Washington của những người Arập Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Ngược lại, Iran mặc dù chịu áp lực và những tổn thất kinh tế, song về ngoại giao, lại có thể sẽ nhận được sự đồng tình của các nước trong khu vực, thậm chí là các nước lớn trên thế giới.

Thời gian tới, mô hình đối lập với một bên là Mỹ-Israel-Saudi Arabia, một bên là Nga-Iran-Syria ngày càng trở nên vững chắc hơn, mâu thuẫn giữa Sunni-Shi'ite ngày càng nan giải hơn so với cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Trong đó, trách nhiệm của ông Trump là lớn nhất và những sai lầm mà ông phạm phải cũng là "khó chữa nhất".

Sức mạnh tổng hợp, ảnh hưởng ngoại giao của Mỹ hiện nay không thể cùng lúc gây sức ép lên cả Nga và Trung Quốc; giữa Bắc Kinh và Moskva, giữa hai phần Đông và Tây của lục địa Âu-Á.

Cho dù muốn hay không thì ông Trump cũng luôn phải phân định: trước và sau, chủ yếu và thứ yếu. Đến nay, ông Trump vẫn chưa cho dư luận thấy rõ rằng Washington thực hiện chiến lược “tái cân bằng” trên hành trình "trở lại châu Á-Thái Bình Dương".

Trên thực tế, ông Trump đã nhậm chức được hơn một năm, đặc trưng trong chính sách đối nội và đối ngoại của ông là đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Obama - tức là: phản đối những gì mà Tổng thống Obama tán thành và ủng hộ những gì mà ông Obama ghét bỏ.

Vì vậy, việc rút quân khỏi Syria (mặc dù là cam kết khi tranh cử của ông Trump), nhưng nếu so với ý tưởng của ông Obama và bà Hillary trong việc chuyển trọng tâm chiến lược, triển khai quốc phòng về phía Đông, ông Trump vẫn mong muốn lưu lại Trung Đông một thời gian nữa.

Liên minh châu Âu (EU) lấy Đức làm hạt nhân, bị kẹp ở giữa cũng khó chịu đựng. Không có gì ngạc nhiên khi gần đây Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nhận định rằng tình hình ở Trung Đông cho thấy những năm tháng người châu Âu dựa vào Mỹ và quân đội Mỹ (đóng vai trò "người bảo vệ") đã kết thúc.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, người châu Âu phải chủ động hơn trong các lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng thì chắc chắn "lời nói sẽ đi đôi với việc làm".

Có thể nói, vấn đề Trung Đông sẽ viết lại quan hệ tam giác Mỹ-Âu-Nga, vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Syria sẽ không dẫn đến việc phân tách giữa Brussels, Paris, Berlin và Washington, nhưng EU với xu thế ngày càng chủ động hơn về ngoại giao và quốc phòng, sẽ dần được thực hiện dưới sự lãnh đạo của hai mũi nhọn “Angela Merkel-Emmanuel Macron”. 

Trong thời điểm chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và kiểm nghiệm sự đồng thuận của phương Tây trong các vấn đề liên quan, sự phối hợp giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh rối ren của Trung Đông càng quan trọng hơn.

Thời gian tới, Moskva và Bắc Kinh có thể một bên về quân sự, một bên về ngoại giao, thúc đẩy sự ổn định và phát triển của  khu vực Tây Á-Bắc Phi, sẽ là chủ đề then chốt trong cục diện mới của thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục