Vì sao lộ trình bầu cử của Thái Lan bị trì hoãn?

05:30' - 25/04/2018
BNEWS Báo Straitstimes mới đây đăng bài bình luận cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan đang tìm cách kéo dài thời gian nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: EPA/TTXVN

Không giống như các nước láng giềng, Thái Lan rất khó khăn trong việc ấn định thời điểm bầu cử. Với việc chính quyền quân sự nắm quyền hơn 4 năm và thời gian nắm quyền lâu hơn tất cả các chính phủ được bầu trước đó, lộ trình cho bầu cử của nước này đã bị trì hoãn nhiều lần.

Ngay cả việc mới đây chính quyền quân sự nước này đưa ra thời điểm tổ chức bầu cử vào tháng 2/2019 thì hiện cũng vấp phải những tranh luận tại Tòa án Hiến pháp vì những vấn đề kỹ thuật.

Nói tóm lại, bản chất phức tạp của chính trị Thái Lan cho thấy các tướng lĩnh cầm quyền nước này, vốn lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 với đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang muốn nắm và duy trì quyền lực càng lâu càng tốt kể cả sau cuộc bầu cử sắp tới.

Rõ ràng Chính phủ của Thủ tướng Prayut và Hội đồng khôi phục hòa bình và luật pháp đang tiến hành một trò chơi chính trị trước bầu cử.

Thái Lan sẽ không có một cuộc bầu cử cho đến khi chính quyền quân sự đảm bảo được chiến thắng. Điều này có nghĩa là chính quyền quân sự sẽ tiến hành các hoạt động thao túng luật pháp, làm cho các đối thủ suy yếu, lôi kéo cử tri bằng các khoản chi tiêu ngân sách hấp dẫn, trấn áp các lực lượng bất đồng và trì hoãn các cuộc thăm dò cử tri.

Ủy ban soạn thảo Hiến pháp do chính quyền quân sự chỉ định đã đưa ra một bản Hiến pháp trong đó làm cho các chính khách và các đảng phái tham gia bầu cử yếu thế trong khi ngăn cản sự nổi lên của các đảng phái chính trị lớn mạnh.

Một biện pháp có lợi cho chính quyền quân sự là việc 250 thành viên Thượng viện sẽ được chỉ định theo ý kiến của giới quân sự, đảm bảo cho lực lượng quân sự nước này nắm giữ 1/3 số ghế của Thượng viện.

Thêm vào đó, Hiến pháp cho phép một người không phải là thành viên quốc hội trở thành Thủ tướng nếu không có ứng cử viên cho chức vụ này tại Hạ viện. Điều này rõ ràng là nhằm mục đích đưa tướng Prayut nắm vai trò Thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hơn nữa, các cơ quan độc lập quan trọng gồm Ủy ban bầu cử và Ủy ban chống tham nhũng quốc gia đều do những người trung thành với chính quyền quân sự điều hành.

Hai đảng phái chính tham gia bầu cử sắp tới gồm đảng Pheu Thai và đảng Dân Chủ hiện đều yếu. Đảng Pheu Thai đã bị giải thể hai lần và hiện đang bị lôi kéo vào các rắc rối pháp lý có thể khiến cho đảng này một lần nữa bị giải thể. Lãnh đạo đảng này là Thaksin Shinawatra và em gái, Yingluck, hiện đang phải sống lưu vong và bản thân họ đang đối mặt với án hình sự ở trong nước.

Trong khi đó, đảng Dân chủ hiện đang có những bất đồng trong nội bộ với việc lãnh đạo đảng này Abhisit Vejjajiva, người cực lực phản đối việc một người không phải là nghị sỹ quốc hội trở thành Thủ tướng, hiện đang mâu thuẫn với cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo cuộc biểu tình đường phố hồi năm 2013-2014, dẫn tới cuộc đảo chính quân sự sau đó. Ông Suthep Thaugsuban được cho là trung thành với đương kim Thủ tướng Prayut.

Để giành được sự ủng hộ của các cử tri, chính quyền Thủ tướng Prayut hồi tháng Một đã đưa ra gói bổ sung ngân sách trị giá 150 tỷ baht (tương đương 6,3 tỷ SGD) nhằm mục đích cải cách lĩnh vực nông nghiệp.

Chính quyền quân sự Thái Lan cũng tiến hành các hoạt động tiếp xúc, vận động hành lang trực tiếp với các phe phái khác và các nhà bảo trợ cho các phe phái này.

Trong những tháng gần đây, Tướng Prayut đã tiến hành gặp các chính trị gia được bầu tại các tỉnh Sukhothai, Chonburi, Supanburi, Nakorn Pathom. Tại các cuộc gặp này, ông thẳng thắn cho biết không loại trừ việc mình sẽ ngồi vào vị trí Thủ tướng của Thái Lan sau cuộc bầu cử sắp tới.

Trong những tháng tới, chính quyền quân sự có thể sẽ hợp tác, lựa chọn các chính trị gia từ các đảng phái bao gồm Đảng Pheu Thai và Đảng Dân chủ. Ngoài ra, trong một hành động cho thấy sự tranh giành về lợi ích, chính phủ đã gợi ý về việc thành lập một đảng nhằm hậu thuẫn Tướng Prayut trở thành thủ tướng sau bầu cử.

Nếu được thành lập, đảng thân ông Prayut này có thể đề cử ông là ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng trong thời gian bầu cử và do đó tránh bị buộc tội là một nhà lãnh đạo không xuất thân từ Quốc hội.

Triển vọng về một chính quyền hậu bầu cử với sự lãnh đạo của quân đội và Tướng Prayut cầm quyền một lần nữa đã làm mất đi hy vọng về việc chính quyền tạm quyền này đưa Thái Lan vào một không gian dân chủ lâu dài. Chính quyền quân sự sẽ lại tìm mọi cách nắm quyền quản lý đất nước như trước đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục