Vì sao người di cư bỏ qua nước pháp trong hành trình đi tìm miền đất hứa?

15:54' - 22/09/2015
BNEWS Pháp từng là "miền đất hứa" của những người di cư. Nhưng trong hành trình gian khổ tới châu Âu để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, những người di cư lại đang bỏ qua nước Pháp.
Người di cư chen lên tàu tại nhà ga ở Beli Manastir, Croatia ngày 18/9. Ảnh: Reuters/TTXVN

Edward, một thanh niên 24 tuổi từ Baghdad (Iraq), đang đợi thuyền ở Stockhom (Thụy Điển) để đến Phần Lan, nói rằng Pháp không phải là một nơi lý tưởng cho tương lai của anh, và thêm vào đó là việc nước này không dễ cấp giấy phép cư trú.

Người ta nói với nhau rằng nếu tới Pháp sẽ phải mất nhiều tháng trời không có nơi trú ngụ, chấp hành các thủ tục hành chính quan liêu và tiếp xúc với những công chức không nói tiếng Anh.

Nền kinh tế cũng không vững vàng gì của Pháp, với khoảng 3,5 triệu người thất nghiệp, cũng là một trở ngại. Abdulrahman, một thanh niên người Syria 26 tuổi ở Thụy Điển, nói rằng Pháp thì chỉ thích hợp để ghé thăm chứ không phải nơi để làm việc.

Sabreen al-Rassace, thuộc Revivre, tổ chức đã giúp người tị nạn Syria từ khi xung đột nổ ra, không tỏ ra ngạc nhiên về việc Pháp không đứng đầu trong danh sách các nước mà người tị nạn tìm đến.

Cô nói rằng sẽ rất khó khăn để có được một chỗ ở tại Pháp, và thủ tục hành chính thì kéo dài và phiền toái. Pháp chỉ có 30.000 chỗ cho hơn 60.000 người muốn có quy chế tị nạn, có nghĩa là nhiều người sẽ phải ở cùng bạn bè, gia đình, hoặc sống ngoài phố.

Theo Al-Rassace, người tị nạn Syria đã chia sẻ kinh nghiệm qua Facebook, Whatsapp, và với họ, Pháp không phải là nơi chào đón người tị nạn.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là vấn đề. Al-Rassace cho biết phần lớn người di cư chỉ biết vốn tiếng Anh nghèo nàn, còn những nhân viên hành chính Pháp thì chẳng có chút nỗ lực nào.

Cô nói thêm rằng nhiều mẫu đơn chính thức chỉ bằng tiếng Pháp. Cô cho rằng vấn đề chính là thiếu sự phối hợp và thiếu quyết tâm.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra năm 2011, mới chỉ có 7.000 người trong tổng số 4 triệu người Syria đã rời bỏ đất nước được trao quy chế tị nạn ở Pháp.

Pháp đã hứa nhận thêm 31.000 người di cư trong vòng hai năm tới và đang tìm cách đẩy nhanh thủ tục cấp quy chế tị nạn và cấp nhà ở.

Hai tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Holland đã đề xuất nhận 1.000 người di cư để hỗ trợ Đức đang bị quá tải với hàng nghìn người di cư tới đây mỗi ngày.

Ngay lập tức, Pháp đã cử một nhóm các quan chức phục trách vấn đề nhập cư tới Munich để vận động người di cư tới Pháp. Tuy nhiên, văn phòng nhập cư cho biết có chưa đến 600 người lên các xe buýt đã được bố trí và dự kiến, không có thêm người nào nữa vào thời điểm này.

Sau một giờ đồng hồ ngồi xe từ Paris đi qua những cánh rừng rậm rạp và những đồng cỏ xanh tươi, một nhóm người di cư từ Iraq và Syria đã được đón tiếp tại một tu viện ở làng Bonnelles.

Mắt họ lấp lánh khi nói về nước Pháp, "miền đất nhân quyền" có quan hệ lâu năm với Syria - nước đã chịu sự cai trị của Pháp trong 25 năm sau Chiến tranh Thế giới lần Thứ nhất.

Tuy nhiên, chỉ vài người trong số họ có ý định tới đây trước khi được tiếp xúc với các quan chức về nhập cư ở Munich.

Sabah, 38 tuổi, giáo viên tiếng Anh ở khu vực do quân nổi dậy nắm giữ ở Đông Damascus, cho biết các quan chức nhập cư đã cam kết ba vấn đề là thủ tục đơn giản, người thân có thể tới Pháp và cấp giấy phép cư trú trong 10 năm. Văn phòng nhập cư đã cam kết sẽ hoàn tất thủ tục trong vòng 15 ngày so với mức trung bình là chín tháng.

Ahmad, 29 tuổi, cảm thấy mình đã quyết định đúng khi để vợ và con ở lại bởi nếu không anh sẽ phải chọn cứu ai trước khi chiếc thuyền cao su của anh bị chìm và anh phải bơi sáu tiếng đồng hồ mới tới được đảo Lesbos của Hy Lạp.

Mới đầu, anh dự định tới Đức bởi nghe nói Pháp không muốn nhận người di cư. Những người Syria khác đã gặp nhiều khó khăn và nói việc làm giấy tờ cho gia đình anh sẽ phải mất nhiều thời gian.

Nhưng cuối cùng, anh cũng quyết định tới Pháp và giải thích thêm rằng nếu mọi việc không suôn sẻ thì anh sẽ quay trở lại Đức.

Các mối quan hệ gia đình là yếu tố chính trong việc quyết định nơi mà những người di cư sẽ đến. Saleh al-Moussa, 17 tuổi, muốn trở lại Đức bởi anh trai cậu đã đăng ký được quy chế tị nạn ở đó, trong khi cậu không có người thân nào ở Pháp.

Tuy nhiên, người di cư rất biết ơn Pháp đã nhận họ và đa số quyết định bắt đầu một cuộc sống mới.

Lê Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục