Trồng “cây vàng” trên đất Kinh Môn

13:30' - 02/02/2019
BNEWS Huyện Kinh Môn không chỉ nổi tiếng với những loại cây trồng như hành, tỏi, ổi, sắn dây, nếp cái hoa vàng… mà còn có tiếng với cam Thất Hùng.

Đến huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương những ngày gần Tết Nguyên đán, hàng chục ha diện tích cam đang được cho thu hoạch. Những quả cam có màu sắc chín vàng, quả to, mọng nước, có vị ngọt, thanh mát được thương lái từ các tỉnh, thành về tận vườn thu mua…

Với khí hậu đặc trưng và ưu thế về đất đai phù hợp trồng nhiều loại cây rau màu, cây ăn quả, huyện Kinh Môn không chỉ nổi tiếng với những loại cây trồng như hành, tỏi, ổi, sắn dây, nếp cái hoa vàng… mà huyện còn có tiếng với cam Thất Hùng.

Vùng cam của xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn vốn là đất bãi phù sa màu mỡ, cây cam được trồng theo quy chuẩn VietGAP nên có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và đạt chất lượng cao. Cam được trồng ở đây cho ra quả căng, sáng, ít hạt, ít sâu bệnh.

Thêm nữa, người dân có trình độ thâm canh tốt, có ý thức hợp tác, thực hiện các yêu cầu để đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn. Chính từ những ưu điểm này nên những năm gần đây, nhiều thương lái ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… thường xuyên đến xã Thất Hùng mua cam về bán.

Là một trong những hộ đầu tiên của xã Thất Hùng ứng dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình nhà chị Vũ Thị Hường (ở xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) hiện có 1 ha trồng cam.

Sản lượng cam mỗi vụ đạt trung bình từ 25 - 35 tấn/ha/năm, giá cam giao động khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg, đã giúp gia đình chị Hường thu nhập bình quân trừ các chi phí vào khoảng 800 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm, chị Hường cho biết, vườn cam nhà chị được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau mỗi vụ, chị phải cuốc đất xung quanh gốc cây cam sau đó rắc phân hữu cơ, lấp đất và dùng vôi bột đắp lên.

Khi ra quả, phải phun chế phẩm sinh học mua từ các cơ sở thuốc bảo vệ thực vật có uy tín để bảo quản quả và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo chị Hường, trồng cam theo quy trình cộng thêm việc tưới cam bằng nước ngô, đậu tương và cá ngâm sẽ cho ra quả cam có cuống nhỏ lại mỏng vỏ, tăng vị ngọt và vị thơm cho quả.

Nhờ áp dụng quy trình trồng như vậy, vườn cam nhà chị Hường đã thu hút rất nhiều thương lái từ nhiều nơi về mua. Ban đầu từ những người quen mua, rồi ai nấy cũng đều khen vị ngọt dịu thanh thanh của cam trồng nhà chị, sau dần người người bảo nhau nên lượng khách đến mua ngày càng nhiều hơn.

“Từ sau khi áp dụng mô hình trình theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cam được nâng lên. Bên cạnh đó, thương lái cũng được tận mắt chứng kiến quy trình chăm sóc cây từ lúc bón phân cho đến khi thu hoạch.

Vì vậy, mỗi vụ cam của xã hầu như được tiêu thụ hết. Thêm nữa, nhờ chất lượng cam ngon nên cam trồng tại Thất Hùng ngày càng được giá bán, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân địa phương”. Ông Nguyễn Trọng Thuấn, Chủ tịch UBND xã Thất Hùng nói.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thất Hùng cho biết, mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho người nông dân trên địa bàn.

Diện tích trồng cam tại xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn vào khoảng 45 ha; trong đó có khoảng 30 ha được trồng và chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện, xã Thất Hùng có hơn 40 hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với năng suất đạt trung bình 20 – 30 tấn/ha/năm, mang lại thu nhập cho người dân từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm.

Để phát triển tốt vùng trồng cam, ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết, huyện đã quy hoạch cụ thể các vùng trồng cam để giảm đầu vào, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Các vùng được lựa chọn triển khai dự án đáp ứng các yêu cầu về vùng sản xuất an toàn theo quy định như xa khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi tập trung, khu công nghiệp; đất và nước phục vụ sản xuất không bị ô nhiễm.

Đầu vào thấp sẽ làm chủ được việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh. Từ đó, giá thành sản xuất sẽ thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn.

“Vì vậy, ngay cả thời điểm giá cam thấp nhất là 18.000 - 20.000 đồng/kg với việc áp dụng mô hình này, chất lượng cam vẫn tốt nên khi vào vụ giá cam sẽ phục hồi nhanh”. Ông Hạ chia sẻ thêm.

Từ năm 2016, thương hiệu cam Thất Hùng đã được cấp giấy chứng nhận. Đến nay, chính quyền xã vẫn tiếp tục khuyến khích và định hướng các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời từng bước đưa thương hiệu cam Thất Hùng hướng tới thị trường tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng lớn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục