10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong năm 2016

16:38' - 28/12/2016
BNEWS Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong năm vừa qua do Ban Biên tập tin Kinh tế - TTXVN bình chọn.

1. Kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm

Kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm. Ảnh: Reuters

Năm 2016, căng thẳng địa chính trị, chính sách và thị trường tài chính biến động khiến nền kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ năm thứ 6 liên tiếp và xu hướng này có thể sẽ kéo dài sang năm 2017.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2017 của Conference Board nhận định kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm 2016 và sẽ nhích lên 2,8% trong năm 2017.

Đây là mức rất thấp so với nhịp độ tăng trưởng thường đạt trên 4% trong những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, mức tăng trưởng trung bình 3,1% trong giai đoạn 2010-2014 và mức tăng 3% của năm 2015.

2. Các thỏa thuận thương mại đa phương gặp khó

Các hiệp định đa phương sẽ gặp trắc trở sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN

Bức tranh thương mại thế giới có thể thay đổi khi các hiệp định đa phương gặp trắc trở sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và xu hướng bảo hộ mậu dịch có chiều hướng gia tăng trên thế giới.

Cùng với việc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể phải đàm phán lại, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ và cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) có thể sẽ bị kéo dài.

3. Cú sốc Brexit ảnh hưởng tới thị trường tài chính thế giới

Cú sốc Brexit ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu. Ảnh: Small Business

Quyết định của cử tri Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, được ví như cơn “đại hồng thủy” quét đi hàng nghìn tỷ USD trên các thị trường chứng khoán thế giới sau ngày 23/6.

Cú sốc này có khả năng làm lung lay vị thế tài chính của “xứ sương mù” và ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng "cơn địa chấn" Brexit sẽ tác động mạnh đến nước Anh với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến chỉ đạt 1,7% trong năm 2016 và 1,3% trong năm 2017, giảm lần lượt 0,2 và 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

4. OPEC đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu mỏ

OPEC đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu. Ảnh: EPA

Ngày 30/11/2016, tại Vienna (Áo), các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2001.

Theo thỏa thuận này, kể từ ngày 1/1/2017, OPEC sẽ giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày. Sau đó, ngày 10/12, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới không thuộc OPEC đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.

Theo đó, mức cắt giảm của Nga và các nhà sản xuất khác ngoài OPEC là 558.000 thùng/ngày. Các thỏa thuận về cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu thế giới lên mức 55 USD/thùng, cao gần gấp đôi so với mức đáy đạt được hôm 20/1/2016.

5. Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực

Hán hán khiến nhiều nước bị ảnh hưởng. Ảnh: theatlantic.com

Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, Pháp, vào năm ngoái (hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.

Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra. Hiệp định này vô cùng quan trọng trong bối cảnh nạn hạn hán đã hoành hành và gây thiệt hại ở nhiều khu vực trên thế giới.

Ở Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của đất nước, phải gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 90 năm qua, gây ra tình trạng mất mùa. Còn Brazil trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong tám thập niên qua, khiến các nhà sản xuất cà phê bị ảnh hưởng.

6. Đồng NDT của Trung Quốc được đưa vào "giỏ tiền tệ" của IMF

Đồng Nhân dân tệ được thêm vào "giỏ tiền tệ" quốc tế. Ảnh: TTXVN

Kể từ ngày 1/10/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào danh sách các đồng tiền dự trữ quốc tế, hay còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Như vậy, đồng NDT đã trở thành đồng tiền dự trữ thứ 5 trong SDR cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và yen Nhật.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định với việc đưa đồng NDT vào SDR, IMF muốn chứng tỏ quỹ này luôn sẵn sàng thay đổi để thích ứng với tình hình thực tế.

7. Ấn Độ vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới

Ấn Độ đã vượt Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Ảnh minh họa: newindianexpress.com

Lần đầu tiên trong vòng hơn 100 năm qua, Ấn Độ đã vượt Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp.

Theo tỷ giá hối đoái ngày 16/12, GDP của Ấn Độ là 2.300 tỷ USD, trong khi của Anh là 2.290 tỷ USD. Năm 2016 được xem là một năm thành công đối với kinh tế Ấn Độ, khi tháng 2/2016, nước này đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ danh hiệu này trong tương lai gần. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ vẫn chỉ bằng 1/5 của Anh.

8. "Hồ sơ Panama" gây chấn động vì phanh phui vấn đề trốn thuế

Hồ sơ Panama phanh phui vấn đề trốn thuế. Ảnh minh họa: radionz.co.nz

Vào đầu tháng 4/2016, tờ "Sueddeutsche Zeitung" (báo Nam Đức) đã công bố nhiều tài liệu mật về hoạt động trốn thuế, rửa tiền của một loạt nhân vật giàu có và có thế lực trên thế giới.

Đây là một phần trong 11,5 triệu tài liệu ghi lại hoạt động trong suốt 40 năm của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama và có văn phòng tại hơn 35 nước trên thế giới do một nguồn giấu tên cung cấp cho báo Sueddeutsche Zeitung.

Theo các tài liệu này, Mossack Fonseca đã giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền thông qua 214.000 công ty ma. Vụ rò rỉ thông tin này, thường được gọi là “Hồ sơ Panama”, đã gây chấn động thế giới. Giới chức nhiều nước đã ra thông báo tiến hành điều tra những nhân vật và tổ chức có liên quan đến “Hồ sơ Panama”.

9. Bất ổn an ninh gây thiệt hại cho ngành du lịch châu Âu

Bất ổn an ninh gây thiệt hại cho ngành du lịch châu Âu. Ảnh: TTXVN

Năm 2016 có thể coi là “năm tồi tệ” về an ninh ở châu Âu khi hàng loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Bỉ, Pháp và Đức, làm chấn động dư luận và gây nhiều thiệt hại về kinh tế ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Tổ chức Lữ hành Thế giới của Liên Hợp Quốc (UN World Travel Organistion) dự đoán lượng du khách quốc tế đến châu Âu chỉ tăng 4,5% trong năm 2016, thấp đáng kể so với năm 2015.

10. Samsung điêu đứng vì đợt thu hồi điện thoại lớn nhất trong lịch sử

Samsung thu hồi Galaxy Note7. Ảnh: Techz

Sự cố cháy nổ pin của Galaxy Note 7 (ra mắt ngày 2/8/2016) đã buộc hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc phải ra quyết định thu hồi mẫu điện thoại này trên phạm vi toàn cầu vào ngày 1/9. Đây là đợt thu hồi điện thoại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ thế giới.

Việc thu hồi khoảng 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 và chấm dứt sản xuất dòng điện thoại này có thể khiến khiến Samsung thiệt hại tới 17 tỷ USD. Số liệu mới nhất cho thấy trong quý 3/2016, doanh thu của Samsung chỉ đạt 47.820 tỷ won (42,1 tỷ USD), giảm 3.870 tỷ won so với cùng kỳ năm 2015.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục