10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2017

17:31' - 27/12/2017
BNEWS Ban Biên tập tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2017:
Sản xuất linh kiện xe máy trên dây chuyền tại Công ty CP phụ tùng số 1-Khu công nghiệp Sông Công. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

1. Vượt khó khăn, hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra. GDP ước tính tăng 6,81% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Một loạt chỉ tiêu kinh tế đạt mức cao như: năm đầu tiên Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 36 tỷ USD; đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế; thành lập mới hơn 120 nghìn doanh nghiệp...

2. APEC 2017: Thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25. Ảnh: TTXVN

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công rực rỡ, toàn diện cả trên phương diện song phương và đa phương, đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

3. Ban hành Nghị quyết xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 3/10/2017, Chính phủ ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết trên. Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP sẽ tăng tương ứng khoảng 50%, 55% và 60 - 65%.

4. Bổ sung cơ sở pháp lý tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Tại hai kỳ họp thứ ba và thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã lần lượt thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; trong đó có việc xử lý tài sản đảm bảo, cho phá sản ngân hàng... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thanh lọc các ngân hàng yếu kém, hoạt động không hiệu quả và từng bước tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

5. Xóa bỏ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2017, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những rào cản về môi trường kinh doanh đang dần được loại bỏ trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tháng 9/2017, Bộ Công Thương công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng số các điều kiện đang tồn tại, là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương, kéo theo động thái tương tự của hàng loạt bộ, ngành khác ngay sau đó. Nhờ những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ghi nhận, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế. Việt Nam đứng thứ tư về môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN.

6. Xử lý nghiêm nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực

Phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank. Ảnh: TTXVN

Năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, như vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank; vụ án Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm xảy ra tại Công ty Housing Group... Việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt tạm giam và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, làm rõ sai phạm liên quan đến nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, buộc các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; xử lý nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu, ở cả Trung ương và địa phương, thể hiện rõ không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, khẳng định quyết tâm, sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

7. Một số dự án BOT giao thông gây “nóng” dư luận

Trạm BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Năm qua, dư luận xã hội liên tục “nóng” lên trước những bất cập xung quanh một số dự án BOT giao thông mặc dù chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn, nhiều dự án BOT góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội một số địa phương. Hiện tượng chủ phương tiện, người dân phản đối nộp phí, dẫn tới việc nhà đầu tư phải xả trạm, xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Để tháo gỡ những vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình thực hiện có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì cần phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa đổi.

8. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề

Cơn bão số 12 gây nhiều thiệt hai cho đồng bào Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Trong năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đã có 375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng. Riêng cơn bão số 12 (Damrey), cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, bất ngờ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương, 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá bão số 12 gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

9. Thị trường chứng khoán lập nhiều kỷ lục

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Vndirect. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 ghi nhận nhiều dấu mốc lớn. Đó là chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 970 điểm (kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12/2017), tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016. Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP. Năm 2017 cũng là năm nhà đầu tư nước ngoài có giao dịch mạnh với việc mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu. Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn, vượt xa thời kỳ bùng nổ năm 2007. Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức được vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, năm 2017 sự thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam- Vinamilk, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn- Sabeco đã tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

10. Khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô thương hiệu Việt đầu tiên

Sáng 2/9/2017, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Ngày 2/9/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và Tập đoàn Vingroup đã nhấn nút khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST. Sự kiện VINFAST ra đời không chỉ mở ra cơ hội sở hữu ô tô với chi phí phù hợp, thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng trong nước, mà còn chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nhà sản xuất ô tô trên thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục