10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2016

12:24' - 05/01/2017
BNEWS Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường hôm 24/8. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

1. Ban hành Chương trình hành động của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chương trình xác định quyết tâm đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu thực tiễn; xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 có bước chuyển cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả, bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. 

2. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Trên cơ sở Hội nghị trực tuyến ngày 31 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, đưa ra những cách tiếp cận mới, những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể mang tính chất đột phá nhằm giải quyết triệt để các vấn đề môi trường ở nước ta hiện nay. Đặc biệt, quan điểm xuyên suốt Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo tăng trưởng kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước. 

3. Lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016. Quy hoạch được lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành, có tính thống nhất, đồng bộ, hiện đại đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và tiên tiến khu vực Châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước tài nguyên và môi trường và các ngành kinh tế kỹ thuật khác của đất nước. 

4. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2016. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, đồng bộ, thống nhất, phân bố hợp lý giữa các lĩnh vực, phù hợp yêu cầu phát triển của Bộ, ngành và kinh tế - xã hội đất nước. Quy hoạch xác định số lượng giảm từ 73 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ xuống còn 68; đồng thời là căn cứ kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV. 

5. Việt Nam tham gia Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF) và là quốc gia ASEAN đầu tiên tham gia vào 3GF (thành viên thứ 8). Diễn đàn là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy, mở rộng quy mô tăng trưởng xanh thông qua việc kết nối các khu vực, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là hợp tác công - tư. Kinh nghiệm của 3GF trong việc huy động nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động tăng trưởng xanh trên thế giới giúp Việt Nam có đủ nguồn lực cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh trong tương lai. 

6. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 9 tháng 4 năm 2016. Qua đó, các chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 đã được điều chỉnh, đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên cả nước; phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và nội dung đổi mới của Luật Đất đai năm 2013. 

7. Ký kết, phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận. Thỏa thuận Paris mang tính lịch sử, được 195 quốc gia thông qua tại COP 21, là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên xác định trách nhiệm tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận chính thức có hiệu lực vào ngày 04 tháng 11 năm 2016. Việc phê duyệt Thỏa thuận Paris tại Nghị quyết số 93/NQ-CP và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 ngay trước thềm Hội nghị COP21 thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch gồm 68 nhiệm vụ ưu tiên, bao trùm tất cả các lĩnh vực có liên quan tới biến đổi khí hậu và bám sát 5 trụ cột gồm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực; thiết lập hệ thống công khai, minh bạch; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách cho giai đoạn 2016-2020 và 2021 - 2030 của Việt Nam. 

8. Phát hiện mới về khoáng sản đồng và quặng urani tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Kết quả khoanh định được 09 thân quặng đồng gốc, 06 thân quặng urani, 03 đới khoáng hóa xạ, 04 thân khoáng vàng - đa kim. Tài nguyên dự báo cấp 334a đối với khoáng sản đồng gốc 108.925 tấn, khoáng sản urani 241,7 tấn. Đặc biệt, phát hiện mới này mở ra triển vọng lớn cho tìm kiếm, phát hiện thêm các mỏ mới có trữ lượng Urani lớn là rất cao; mở rộng diện tích tìm kiếm ra các khu vực lân cận trong tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. 

9. Hoàn thành Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 đính kèm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào. Đây là cơ sở vững chắc xây dựng biên giới Việt Nam - Lào trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định lâu dài; đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước; khẳng định mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. 

10. Thực hiện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống triển khai tại các đơn vị thuộc Bộ, tích hợp chữ ký số, thay thế phương thức trao đổi văn bản truyền thống; kết nối, liên thông với trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phục vụ quản lý, điều hành, thực hiện cải cách hành chính, vận hành Chính phủ điện tử tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, phục vụ xã hội, người dân, doanh nghiệp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục