100 ngày “xây dựng lại nước Mỹ" - Bài 2: Kết thân đối tác, thăm dò đối thủ

20:45' - 29/04/2021
BNEWS Sự tham gia trở lại của Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu từng bước được thể hiện rõ với hàng loạt động thái đối ngoại mà chính quyền của ông Biden thực hiện trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.

Mặc dù có một chương trình nghị sự trong nước dày đặc, 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng cũng ghi dấu những chuyển động ngoại giao theo hướng củng cố, làm mới quan hệ với các đồng minh chiến lược lâu đời ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay châu Âu, đồng thời thăm dò các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Nga...,  xử lý các hồ sơ dang dở như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, cuộc chiến dai dẳng tại Afghanitan...

Sự tham gia trở lại của Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu cũng như tham vọng nâng cao vị thế của Washington từng bước được thể hiện rõ với hàng loạt động thái đối ngoại mà chính quyền của ông Biden thực hiện trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.

Tổng thống Biden gần như đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump, theo đó đưa nước Mỹ quay lại một loạt khuôn khổ đa phương như khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia tích cực vào quá trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, củng cố mạnh mẽ mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay Hàn Quốc, Nhật Bản, trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.

Thông qua các cuộc gặp trực tuyến quan trọng và các chuyến thăm cấp cao của giới chức Mỹ tới Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ, các tuyên bố chính thức của chính quyền Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của các liên minh.

Ngoài ra, ông Biden cũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và cứng rắn với các cường quốc như Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Biden đã thực hiện được hầu hết những hứa hẹn liên quan tới việc cải thiện quan hệ với các đồng minh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Biden trở lại vai trò tiên phong của Mỹ trong vấn đề khí hậu, nhiều nhà lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bày tỏ hoan nghênh những nỗ lực phối hợp rất sớm của chính quyền Tổng thống Biden. 

Mỹ và Iran đã đàm phán gián tiếp và đây đã là một bước tiến đáng kể do với giai đoạn đối đầu trong quan hệ hai nước sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chính quyền của Tổng thống Biden cũng công bố kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, bắt đầu vào ngày 1/5 và hoàn tất trước ngày 11/9, khép lại cuộc chiến dường như "không có hồi kết" ở Afghanistan.

Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẽ chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho cuộc tấn công quân sự kéo dài 5 năm qua do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen.

Mỹ đã tham gia trở lại các vấn đề toàn cầu và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến vừa qua với sự chủ trì của Tổng thống Biden đã phần nào thể hiện được vai trò dẫn dắt của Mỹ trong hành động môi trường quốc tế.

Việc ông cam kết cắt giảm khí phát thải nhà kính từ 50-52% so với năm 2005 được coi “đòn bẩy” để các nước khác hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong quan hệ với Trung Quốc và Nga, Tổng thống Biden áp dụng cách tiếp cận khá cứng rắn cùng chiến lược huy động các đồng minh cùng hình thành "mặt trận thống nhất" khi thực thi các biện pháp ứng phó với các đối thủ.

Tổng thống Joe Biden đã miêu tả Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” đối với Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng không “tái cài đặt” quan hệ với Nga, thậm chí trong 3 tháng qua Mỹ liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, đỉnh điểm là các vụ trục xuất nhà ngoại giao của nhau.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đối thoại và hợp tác với những đối thủ này trong các lĩnh vực hai bên có cùng chung lợi ích, đơn cử như việc Nga và Mỹ đã gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới trước khi thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí này hết hạn, hay Tổng thống Biden đề xuất tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga.

Có thể thấy, một loạt bước đi cụ thể của Tổng thống Biden trong lĩnh vực đối ngoại cho thấy Mỹ đang thực hiện chính sách "kết thân đối tác, thăm dò đối thủ" nhằm tối đa hóa lợi ích và bắt đầu hành trình khôi phục vị thế quốc tế của mình.

Theo chuyên gia John Ikenberry của Đại học Princeton, Tổng thống Biden đã nhắc lại những quan điểm cốt lõi dẫn dắt chính sách đối ngoại của Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là thúc đẩy lợi ích quốc gia trên nền tảng xây dựng và dẫn đầu trật tự quốc tế; các quan hệ liên minh và tổ chức giúp củng cố sức mạnh của nước Mỹ và sự can dự của nước Mỹ trong các vấn đề toàn cầu là nhằm duy trì trật tự này.

Tuy nhiên, trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Biden phải ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách về đối nội hơn.

Bởi vậy mà nhiều "hồ sơ đối ngoại" vẫn bế tắc hay bỏ ngỏ và đây sẽ là thách thức đối với chính quyền Tổng thống Biden thời gian tới.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với hai đối thủ Nga và Trung Quốc được dự báo vẫn sẽ quyết liệt. Với Trung Quốc, mặc dù hai bên đã có cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại  bang Alaska, tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy căng thẳng Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới khi những bất đồng cốt lõi vẫn chưa thể giải quyết.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Nga có chiều hướng gia tăng khi xu hướng chính sách cứng rắn đối với quốc gia này đang được chính quyền ông Biden và đảng Dân chủ đẩy mạnh hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có nguy cơ làm xói mòn cơ hội hợp tác trong bối cảnh các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, kể các về an ninh, khủng bố, dịch bệnh hay biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... đang ngày một phức tạp, khó lường, đòi hỏi nỗ lực phối hợp tập thể để giải quyết. 

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ở châu Âu, dù tuyên bố về một kỷ nguyên mới của sự tôn trọng lẫn nhau, tái hồi sinh và hiện đại hóa các liên minh cũng như các mối quan hệ đối tác, tuy nhiên việc chính quyền Tổng thống Biden có tạo dựng được lòng tin chiến lược với các đồng minh và đối tác hay không thì cũng cần có thời gian để có thể kiểm chứng.

Các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được dự báo có thể "vô cùng khó khăn" khi các bên đàm phán chưa có dấu hiệu nhượng bộ.

Tuy nhiên, việc gia tăng trừng phạt hay thiếu thiện chí trong đàm phán đều có thể dẫn tới những sai lầm chiến lược. Có thể nói rằng trong vấn đề đối ngoại, những "bài sát hạch" lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden vẫn còn ở phía trước.

Chắc chắn rằng không có cuộc khủng hoảng nào của Mỹ có thể được giải quyết trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, song khoảng thời gian này là cơ hội tốt nhất để nhà lãnh đạo mới ghi dấu ấn của mình.

Với những gì Tổng thống Biden thể hiện trong 100 ngày qua, nhất là một số thành quả đối nội đáng ghi nhận, người dân Mỹ đang kỳ vọng ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay và “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” như ông đã cam kết.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để biến cam kết này thành hiện thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục