19 tập đoàn, tổng công ty lớn bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

17:34' - 16/11/2022
BNEWS Năm 2022 là một năm khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường. Tuy nhiên, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đều nỗ lực bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị trao đổi giải pháp phát huy vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo tại Hội nghị, các doanh nghiệp đều đánh giá năm 2022 là một năm khó khăn trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đều nỗ lực bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước; đa số các doanh nghiệp đều đạt và vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, bình ổn thị trường và đóng góp quan trọng cho NSNN. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu tập đoàn 10 tháng đạt 782 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm và tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021; nộp NSNN 112,2 nghìn tỷ đồng vượt 74% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế hợp nhất hoàn thành kế hoạch trước 8 tháng. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất, kinh doanh; đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung ứng điện. Doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 ước đạt 383,832 nghìn tỷ đồng, đạt 100,66% so với kế hoạch. 

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế. 9 tháng năm 2022 Tập đoàn đã tạo nguồn 7.347.000m3, vượt 26% so với tiến độ kế hoạch được phân giao và đạt 95% kế hoạch được phân giao cả năm 2022.

Các Tập đoàn: Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Hóa chất Việt Nam (VINACHEM); các Tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFFOR), Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Thuốc lá Việt Nam (VINATABA), Hàng hải Việt Nam (VIMC), Đường sắt Việt Nam (VNR), Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Viễn thông MobiFone (MOBIFONE) dự kiến đều hoàn thành và hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch và nộp NSNN năm 2022. Một số tổng công ty còn nhiều khó khăn do khách quan cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Đến nay, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã triển khai xây dựng kế hoạch năm 2023 với định hướng tăng trưởng từ 5-10%. Tuy nhiên, dự báo năm 2023, kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát có nguy cơ gia tăng. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước, dịch bệnh ở một số nước còn diễn biến phức tạp. Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát… 

Tuy vậy, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, áp lực lạm phát... Những thuận lợi và khó khăn đan xen này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban.

Trong bối cảnh đó, với vai trò là những doanh nghiệp Nhà nước trọng yếu trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban tiếp tục nhận diện rõ các khó khăn, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao...

Ông Nguyễn Long Hải – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong năm 2022. 

Trong năm 2023 và những năm sắp tới,  ông Nguyễn Long Hải đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý những vấn đề còn tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ các dự án còn chậm tiến độ và tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty để hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh xác định năm 2023 và giai đoạn tới sẽ còn rất nhiều những khó khăn, đề nghị các tập đoàn, tổng công ty căn cứ theo điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và tình hình thực tiễn hiện nay, lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất và tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả để phát huy tốt hơn nữa vai trò của doanh nghiệp mình đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban cũng đề nghị các đơn vị sẵn sàng tâm thế, nỗ lực gấp đôi, gấp ba, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm; tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan, địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đặc biệt, các đơn vị cần xây dựng chiến lược dài hạn; thực hiện tốt công tác dự báo; nghiên cứu, tìm hiểu những cơ hội, lĩnh vực mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục