2020 - thêm một năm nhiều thách thức cho kinh tế toàn cầu

05:30' - 07/01/2020
BNEWS Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định năm 2019 là một năm nhiều khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình địa chính trị không chắc chắn và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ảm đạm trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Với một số điều kiện thuận lợi và các biện pháp kích thích tiền tệ, EIU dự đoán tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ nhích lên trong năm 2020.

Tuy nhiên, bất ổn chính trị, trên phạm vi quốc tế và ở nhiều quốc gia, vẫn sẽ là yếu tố hạn chế niềm tin kinh doanh và đầu tư.

Kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, tăng nhẹ so với con số 2,3% dự báo cho năm 2019, nhưng vẫn gần với mức thấp trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển dự kiến sẽ chậm lại một chút vào năm 2020, ở mức 1,5%, do ảnh hưởng của mức tăng trưởng vừa phải của Mỹ.

Trong khi đó, các nước châu Á ước tính tăng trưởng ổn định ở mức 4% vào năm 2020, và trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm thứ sáu liên tiếp, với đà tăng trưởng mạnh hơn ở Nam Á và Đông Nam Á đã bù đắp cho sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. EIU dự đoán sự phục hồi nhẹ của các quốc gia ở châu Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara.

Những nhận định về triển vọng tăng trưởng trên được đưa ra dựa trên dự đoán rằng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, giúp thúc đẩy nhu cầu tại các thị trường phát triển và hạn chế áp lực tài chính mà một số nền kinh tế thị trường mới nổi đang mắc nợ có thể phải đối mặt.

Tuy nhiên, dự báo này cũng bao gồm giả định rằng các điều kiện kinh tế và chính trị sẽ ổn định tại một số "điểm nóng" nổi lên trong năm 2019. Ví dụ, Brazil đang trong quá trình tiến hành cải cách lĩnh vực lương hưu đầy khó khăn; tại Thổ Nhĩ Kỳ, sự ổn định của tiền tệ đang hỗ trợ nền kinh tế; và Nam Phi, nơi EIU hy vọng tình trạng thiếu năng lượng sẽ bắt đầu giảm bớt.

Điều quan trọng nhất, EIU giả định rằng thỏa thuận thương mại mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì cho đến cuộc tổng tuyển cử quan trọng của Mỹ vào tháng 11/2020.

* Bất ổn xã hội tiếp diễn trong năm 2020

EIU nhận định các dự báo về triển vọng kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là tình trạng bất ổn xã hội diễn ra trên toàn thế giới vào năm 2019 dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2020, thách thức các nhà hoạch định chính sách cũng như các mô hình kinh doanh toàn cầu.

Năm 2019, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở nhiều quốc gia trên khắp lục địa như Chile, Bolivia, Colombia, Iraq, Lebanon, Iran và Hong Kong (Trung Quốc).

Trong một số trường hợp, các cuộc biểu tình đã tạo sức ép khiến nhà lãnh đạo của quốc gia đó từ chức, chẳng hạn như ở Bolivia và Iraq. Các cuộc biểu tình ở những nơi khác cũng dẫn đến sự gián đoạn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chẳng hạn như ở Hong Kong, hoặc thay đổi các ưu tiên chính sách của chính phủ để giải quyết mối quan tâm của người biểu tình như ở Chile.

Sự thay đổi của lãnh đạo chính phủ Bolivia đã dẫn đến cách tiếp cận hoàn toàn khác trong chính sách đối ngoại của quốc gia này, hiện tập trung vào mối quan hệ với Mỹ hơn là với Venezuela và Cuba.

Jair Bolsonaro, Tổng thống Brazil, gần đây đã tạm dừng chương trình cải cách lương hưu đầy tham vọng vì lo ngại phản ứng xã hội, yếu tố có thể ảnh hưởng đến những tiến bộ đạt được trong nỗ lực cải tổ hệ thống lương hưu của Brasilia.

Bất ổn xã hội dự kiến vẫn là mối đe dọa trong suốt năm 2020 khi các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp chúng lan truyền nhanh chóng qua biên giới. Mặc dù không có một lý do duy nhất để liên kết các cuộc biểu tình này, nhưng nhìn chung tình trạng bất ổn xã hội diễn ra khi các công dân cảm thấy họ bị tước đi những quyền chính trị hoặc lợi ích kinh tế. Do đó, tình hình bất ổn có thể xảy ra vào năm 2020 khi thế giới đối mặt với triển vọng kinh tế suy yếu, căng thẳng địa chính trị và rối loạn xã hội.

* Quan hệ Mỹ-Trung, trung tâm của rủi ro địa chính trị

EIU khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp nên chuẩn bị cho sự biến động hơn nữa vào năm 2020, bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Một khi được hoàn tất, thỏa thuận thương mại giai đoạn một có khả năng sẽ bao gồm các giao dịch mua nông sản Mỹ của Trung Quốc, tăng cường khuôn khổ bảo vệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và tự do hóa lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, một rủi ro rất lớn là thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể bị trì hoãn một lần nữa. Trong trường hợp này, EIU dự đoán Washington sẽ trì hoãn ý định tăng thuế, mặc dù điều này có thể tạo ra rủi ro chính trị trong năm bầu cử.

Mặc dù đã có tiến triển trong cuộc chiến thuế quan, quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2020 và có khả năng sẽ xấu đi trong giai đoạn 2021-2024. Giữa hai nước có những vấn đề mang tính cơ cấu sâu sắc hơn mà thỏa thuận thương mại giai đoạn một chưa thể giải quyết được, trong đó có thể kể đến như bất đồng trong chính sách công nghiệp và vấn đề tiếp cận thị trường của Trung Quốc.

Những bất đồng này trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh hai nước đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược để tìm kiếm sự thống trị công nghệ toàn cầu. Bản chất cơ bản của những tranh chấp này sẽ chuyển hóa thành căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Về lâu dài, trong mọi trường hợp, quan hệ kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục được định hình bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến sự chia tách giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

* Xu hướng nới lỏng "sợi dây" tài chính

Có thể thấy, cán cân rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn nghiêng về hướng tiêu cực. Tuy nhiên, EIU dự đoán có thể những sự kiện bất ngờ vào năm 2020 sẽ mang lại lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều quan trọng nhất, nhưng cũng có lẽ ít khả năng nhất, sẽ là một biện pháp giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tăng trưởng của khu vực Trung Đông có thể ghi nhận mức tăng bất ngờ nếu Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) có thể khởi động tiến trình hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao của khu vực.

Vào giữa năm 2017, bốn nước gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Barain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Chính quyền Qatar ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.

Cuối cùng, các biện pháp kích thích tài khóa đồng bộ ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ là yếu tố đóng vai trò "thay đổi cuộc chơi" đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước này. Tuy nhiên, Đức tiếp tục là trở ngại chính đối với kịch bản này. Nếu Chính phủ Đức thay đổi lập trường vốn rất thận trọng về quy tắc "không thâm hụt" của mình, theo EIU, động thái này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục