23 doanh nghiệp đa cấp có giấy chứng nhận hoạt động tại Việt Nam

11:21' - 28/01/2020
BNEWS Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cảnh báo mạng lưới mua bán sản phẩm Atomy hoạt động đa cấp. Ảnh: nguồn Cục Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng.
Thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả việc quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (theo Quyết định số 1822/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai hàng loạt các biện pháp quản lý nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Về số lượng doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, từ 28 doanh nghiệp vào cuối năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành cấp sửa đổi, bổ sung giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 23 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động trên thị trường đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ngoài ra, tiến hành thu hồi 5 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 5 doanh nghiệp bán hàng đa cấp do không đáp ứng được điều kiện quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Như vậy, tính đến đầu tháng 1/2020, trên thị trường có 23 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động.

Về số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, tổng số lượng người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp tính đến hết tháng 6/2019 là 817.034 người, giảm 35% so với cuối tháng 12/2018. Trong số này, chỉ có 294.877 người có hoạt động bán hàng và có hoa hồng (chiếm 36%).

Số người tham gia còn lại nhiều khả năng chỉ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua hàng với mức giá ưu đãi dành cho người tham gia mà không có hoạt động bán hàng.

Mặt khác, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5.809 tỷ đồng, bằng 53% doanh thu của năm 2018, tăng 25% so với tổng doanh thu cùng kỳ của ngành năm 2018.

Đặc biệt, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 1.921 tỷ đồng, chiếm khoảng 36,2 % tổng doanh thu.

Ngoài ra, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2019 là 886,196 tỷ đồng; trong đó thuế giá trị gia tăng chiếm 40,39%, thuế xuất nhập khẩu chiếm 33,961%, thuế thu nhập cá nhân của người lao động 3,2%, thuế thu nhập cá nhân nộp hộ cho người tham gia bán hàng đa cấp chiếm 8,02%, thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 12,22%, các loại thuế khác 2,15%.

Đáng chú ý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 3 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong năm 2019 và xử phạt 3 doanh nghiệp tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng.

Cụ thể là 3 công ty: Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam số tiền phạt là 585 triệu đồng; Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam số tiền phạt là 250 triệu đồng, Công ty TNHH Morinda Việt Nam số tiền phạt 605 triệu đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Trong năm 2019, ngoài việc duy trì các hoạt động cảnh báo cho người dân về các hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn bằng việc triển khai các hoạt động như: tổ chức các chương trình tọa đàm, talkshow trên phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền phổ biến pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp; ban hành cuốn sổ tay pháp luật bán hàng đa cấp, video tuyên truyền nhận diện hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

Tại các địa phương, hiện đã có trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại địa phương trong thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Không những thế, gần 20 địa phương đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn, tạo cơ sở để triển khai hiệu quả việc quản lý bán hàng đa cấp tại mỗi địa phương.

Trong thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt cơ quan quản lý tại các địa phương để đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, nhất là với các hoạt động kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục