3 bài học cho phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

10:17' - 18/03/2019
BNEWS Đầu tư vào năng lượng sạch là xu thế tất yếu để một quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Bim 2 tai xã Phước Ninh (Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Thế giới đang hướng đến giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, thể hiện qua việc hầu hết các quốc gia đều đóng góp vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm, gia tăng lợi thế của năng lượng vào sự phát triển. Do vậy, đầu tư vào năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng sức gió…) là xu thế tất yếu để một quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng và  phát triển bền vững trong tương lai.

*Kinh nghiệm một số quốc gia

Kinh tế Trung Quốc đã qua hơn 40 năm cải cách với mức tăng trưởng kinh tế cao đã đưa nước này trở thành một nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). Mặc dù vậy, đi cùng với những thành tựu kinh tế cũng đã biến Trung Quốc thành một trong những nước gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đã nhận thấy những vấn đề trầm trọng phát sinh từ việc ô nhiễm môi trường và đang cố gắng điều chỉnh để không làm tổn hại cho nền kinh tế. Thực vậy, từ chỗ Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, đến nay, đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Để phát triển năng lượng tái tạo và hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc cũng đã ghi rõ, phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.

Cùng với với đó, Trung Quốc còn ban hành nhiều quy định, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm năng lượng tái tạo, điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than. Trung Quốc cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản suất nguồn năng lượng sạch tại Trung Quốc. Theo đó, năm 2015, điện gió đã cung cấp 33 GW cho Trung Quốc, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp và dự kiến Trung Quốc tăng công suất điện gió lên 210 GW vào 2020, tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới. Đối với năng lượng điện mặt trời, cuối năm 2017, Trung Quốc cũng đạt công suất là 126 GW, tăng 67% so với năm 2016.

Tại khu vực ASEAN, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông - Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN xanh và sạch. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ASEAN thời gian qua, nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia trong khu vực ngày càng lớn.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng 60% trong 15 năm qua. Tuy nhiên, than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên không phải là nguồn nhiên liệu vô hạn và bền vững, thay vào đó là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Bởi vậy, các quốc gia Đông - Nam Á thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Nói đến phát triển năng lượng sạch trong khu vực ASEAN không thể không nhắc tới Singapore. Singapore được coi là quốc gia điển hình trong phát triển năng lượng sạch và là quốc gia được đánh giá là xanh, sạch nhất thế giới. Để có được kết quả như vậy, Singapore tích cực khuyến khích việc phát triển năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió.

Vào năm 2016, Singapore  đã công bố tài trợ hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở khu vực công trong 5 năm nhằm tìm ra giải pháp cho phát triển bền vững đô thị. Nguồn kinh phí này đã tăng cường năng lực đổi mới của Singapore trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, lưới điện thông minh và dự trữ năng lượng. Hiện Singapore đang thử nghiệm xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời trong đô thị và các trạm điện mặt trời nổi trên các hồ chứa, cũng như vận hành thử nghiệm một hệ thống lưới điện lưu trữ thu nhỏ khi các nguồn năng lượng tái tạo bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, thay vì trợ cấp trực tiếp để thúc đẩy các dự án điện mặt trời, Singapore cung cấp các mức thuế cạnh tranh và ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện cạnh tranh. Theo đó, tất cả người tiêu dùng, trong đó có các hộ gia đình sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình.

Thái Lan hiện nay là nước dẫn đầu Đông Nam Á trong sử dụng điện mặt trời. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong top toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW, cao hơn tất cả các nước Đông Nam Á khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại đất Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.

Trong khối ASEAN, Thái Lan là nước đầu tiên áp dụng biểu giá FiT năm 2016 (feed-in-tariff - các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho năng lượng tái tạo; trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FiT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm. Sau đó, chương trình này được thay thế bằng chương trình FiT 25 năm với giá 17 đến 20 cent/kWh tùy thuộc vào loại máy phát điện.

Thái Lan cũng đưa ra những mức giá rất hấp dẫn cho các dự án năng lượng mặt trời nhỏ hơn. Bằng cách đưa ra các mức hỗ trợ FiT cao nhất cho các nhà sản xuất nhỏ nhất. Chính phủ Thái Lan thúc đẩy cộng đồng sử dụng năng lượng xanh và các dự án quy mô nhỏ trên mái nhà. Thái Lan cũng đưa ra mức giá FiT ưu đãi 21 cent/kWh cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời khởi xướng chương trình “Mái nhà quang điện”. Đây chính là lý do khiến Thái Lan trở thành người dẫn đầu trong thị trường điện mặt trời ở Đông Nam Á.

Tại Malaysia, Chính sách về năng lượng mặt trời đã được quy định trong Đạo luật năng lượng tái tạo năm 2011 và được sửa đổi năm 2014 nhằm phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như việc giảm giá các tấm pin năng lượng. Chính sách tổng thể của Malaysia về phát triển năng lượng sạch đã tạo ra nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Đầu tư vào năng lượng sạch là xu thế tất yếu để một quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng và  phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh minh họa: AFP

Ngoài ra, cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) đã được đưa ra vào năm 2016 với mục tiêu đạt 500 MW điện mặt trời vào năm 2020 tại bán đảo Malaysia và Sabah. Theo đó, người tiêu dùng chỉ tốn 1m2 lắp đặt là có thể tạo ra điện năng cho gia đình và bán năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia. Nhờ các chính sách hỗ trợ về giá, công suất lắp đặt pin mặt trời tại Malaysia cho đến nay đạt 338 MW. Quốc gia này đặt mục tiêu 1.356 MW vào năm 2020.

Trong khi đó, tại Indonesia, đầu năm 2017 đã thông qua luật về năng lượng tái tạo; trong đó thay đổi mức thuế suất đối với các dự án năng lượng tái tạo. Theo luật mới, mức hỗ trợ FiT sẽ dựa trên chi phí cung cấp điện trung bình của khu vực, nơi dự án điện năng lượng mới được xây dựng. Mức hỗ trợ theo chương trình mới là từ 6,5 đến 11,6 cent/kWh.

Luật mới của Indonesia cũng cho phép điện mặt trời cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện đốt than - hình thức sản xuất điện năng phổ biến ở Indonesia. Cơ chế thanh toán bù trừ (Metering Net) dành cho hộ gia đình, thương mại sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng được thông qua vào năm 2013, bắt buộc Tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia phải trả khoản năng lượng dư thừa được sản xuất bởi năng lượng mặt trời vào tài khoản của khách hàng.

*Những bài học thiết thực

Những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và đã trở thành nhóm nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chính sự phát triển kinh tế cùng quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh chóng đã kéo theo những yêu cầu về phát triển nhanh của ngành năng lượng.

Tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn và đã có các cơ chế khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển ngành năng lượng sạch ở Việt Nam thật sự không dễ dàng. Dưới đây là một số bài học từ kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước ASEAN trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch.

(1) Đột phá nhờ chính sách

Bài  học từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Malaysia cho thấy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch, Nhà nước cần có chính sách khoa học cụ thể về phát triển năng lượng sạch, đồng thời phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó. Đây chính là chìa khóa dẫn tới sự phát triển của nguồn năng lượng này. Đồng thời, nó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ngành năng lượng sạch phát triển.

 (2) Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp

Để chuyển dần từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như điện than sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch (năng lượng gió, mặt trời), Việt Nam cần có những bước đi cẩn trọng vì công nghệ sử dụng trong ngành năng lượng sạch là công nghệ rất cao. Do đó, để đảm bảo sự an toàn về năng lượng, Việt Nam phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của mình để đưa vào sản xuất và có thể lồng ghép các chương trình phát triển năng lượng gió với các chương trình khác đang triển khai như chương trình điện khí hoá nông thôn.

(3) Khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư

Việt Nam cần cho phép và khuyến khích sự tham gia từ nhiều bên, đặc biệt là kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế trong quá trình phát triển năng lượng sạch. Như vậy, Chính phủ phải tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích như áp dụng biểu giá FiT hay cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) để tạo thuận lợi cho việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này./.

 Hiện nay, ở Việt Nam, các nguồn năng lượng sạch vẫn chiếm tỉ trọng ít trong tổng nguồn cung ứng năng lượng. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống như điện than ngày càng chứng tỏ mức độ tác động lớn lên môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhìn về dài hạn, Việt Nam cần chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, bền vững hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Ths Lê Tất Phương, Phó Trưởng ban, Ban Dự báo Kinh tế Vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

>>Làm sao để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục