3 năm kể từ ngày mất tích: MH370 vẫn còn là điều bí ẩn

05:32' - 07/03/2017
BNEWS Cách đây ba năm, vào ngày 8-3-2014, chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) đã biến mất một cách bí ẩn.
Máy bay mất tích MH370 của Malaysia có thể rơi không kiểm soát. Ảnh: Business Insider

Vụ mất tích máy bay MH370 đầy bí ẩn

Mặc dù Australia, Malaysia, Trung Quốc tiến hành chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương được cho là nơi máy bay rơi, song dấu vết chiếc Boeing 777-200 vẫn biệt tăm và chính phủ ba nước đã chính thức ngừng chiến dịch này.

Chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur dự kiến tới Bắc Kinh, lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 8-3-2014 giờ địa phương (tức 22 giờ 30 phút ngày 7-3 theo giờ GMT). Trên máy bay khi đó chở 239 người, bao gồm 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.

Trong số hành khách có 153 người Trung Quốc, 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, 7 người Australia, 4 người Mỹ, 2 người Canada, 2 người New Zealand, 2 người Ukraine và một số người từ các nước khác.

Tuy nhiên, 2 tiếng sau khi khởi hành, vào khoảng 2 giờ 40 phút sáng ngày 8-3-2014 theo giờ địa phương (tức 18 giờ 40 phút ngày 7-3-2014 giờ GMT), máy bay đã bất ngờ mất liên lạc với Trạm kiểm soát lưu không Subang tại vị trí 6 độ 56 phút Bắc, 103 độ 35 phút Đông, thuộc vùng biển cách mũi Cà Mau của Việt Nam 120 hải lý (khoảng 230 km) về phía Tây Nam.

Ngay sau khi nhận được thông báo chiếc máy bay mất tích, Việt Nam đã tích cực tham gia và dẫn đầu nhóm tìm kiếm quốc tế trên khu vực thuộc lãnh hải Việt Nam nhưng không ghi nhận kết quả khả quan nào.

Ngày 15-3-2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak xác nhận máy bay mang số hiệu MH370 đã bay ít nhất 7 giờ kể từ khi mất liên lạc với mặt đất.

 Nỗ lực tìm kiếm nhưng vô vọng

Chính quãng thời gian bay nhiều giờ sau khi mất liên lạc đã khiến công tác khoanh vùng định vị khu vực tìm kiếm chiếc máy bay MH370 càng thêm khó khăn.

Một mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370. Ảnh: EPA

Việc tìm kiếm hầu như phải dựa vào hình ảnh được chụp từ vệ tinh do các quốc gia chia sẻ, mà vốn dĩ những hình ảnh này cũng không rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, Malaysia và cộng đồng quốc tế vẫn không từ bỏ hy vọng giải đáp bí ẩn về chiếc Boeing 777-200 này.

Từ Biển Đông, công tác tìm kiếm cứu nạn sau đó đã được mở rộng tới phía Tây bờ biển Australia, nơi mà các chuyên gia phát hiện hàng loạt tín hiệu liên lạc giữa MH370 với vệ tinh liên lạc Inmarsat, cùng với phỏng đoán của giới chức hàng không về chuyến bay MH370 có thể đã đổi hướng bay và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương.

Chiến dịch tìm kiếm cứu nạn do Australia dẫn đầu đã được thực hiện một cách quy mô và liên tục. Rất nhiều tàu thuyền cùng với các trang thiết bị tối tân đã được đưa vào sử dụng, trong đó có một số thuyền được trang bị công cụ hiện đại có thể tìm kiếm ở độ sâu lên tới 6.000 m dưới mực nước biển hay tàu ngầm không người lái có khả năng tiếp cận các vách núi ngầm hoặc vực sâu.

Khoảng 120.000 km2 dưới đáy biển Nam Ấn Độ Dương đã được khảo sát, tìm kiếm, tuy nhiên vẫn không cho thấy một dấu hiệu khả quan nào. Nhiều giả thuyết khác về chuyến bay đã được đưa ra, nhưng phần lớn số đó đều chưa được kiểm chứng.

Ngày 29-1-2015, Chính phủ Malaysia đã chính thức tuyên bố vụ máy bay của hãng hàng không quốc gia thực hiện chuyến bay MH370 mất tích là một tai nạn, hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được coi là đã thiệt mạng.

Hãng hàng không Malaysia Airlines đã cam kết bồi thường thỏa đáng cho gia đình các nạn nhân đồng thời hối thúc gia đình các nạn nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường trước khi thời hạn nhận đơn 2 năm theo Công ước Montreal năm 1999 về hàng không kết thúc vào ngày 8-3-2016.

Những nỗ lực tìm kiếm đã lóe lên tia hy vọng khi cuối tháng 7-2015, mảnh vỡ đầu tiên của máy bay MH370 được tìm thấy trên đảo Reunion thuộc Pháp và các công tố viên Pháp xác nhận đây là phần cánh của chiếc máy bay MH370. Tháng 9-2015, mảnh vỡ thứ hai cũng đã được tìm thấy trên đảo Pemba ngoài khơi bờ biển Tanzania.

Tháng 5-2016, một mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số MH370 trôi dạt vào đảo quốc Mauritius và được tìm thấy. Theo phân tích của Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB), mảnh vỡ này phù hợp với phần lái ở đuôi cánh máy bay, dựa trên phát hiện một phần mã số trên mảnh vỡ.

Trong khi đó, nhà sản xuất cánh máy bay cung cấp hồ sơ cho thấy mã số đặt hàng này được in bên ngoài cánh máy bay Boeing 777 có mã dây chuyền sản xuất 404, chính là chiếc máy bay với mã số đăng ký 9M-MRO (tức chuyến bay số hiệu MH370).

Tháng 9-2016, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai thông báo ít nhất 22 mảnh vỡ đã được tìm thấy dọc bờ biển và ngoài khơi các nước Nam Phi, Mozambique, Mauritius và Tanzania. Trong số đó, có một số mảnh nhiều khả năng thuộc về chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Malaysia bị mất tích.

Dù nhiều mảnh vỡ của MH370 đã được các nhà chức trách ba nước Malaysia, Australia và Trung Quốc tìm thấy, nhưng vị trí cuối cùng của chiếc máy bay xấu số vẫn chưa được xác định.

Sau 3 năm nỗ lực tìm kiếm mà không đạt được kết quả, ngày 17-1-2017, Chính phủ Australia, Malaysia và Trung Quốc đã thông báo chính thức kết thúc chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích MH370. Tuyên bố của ba nước nêu rõ máy bay MH370 đã không ở trong khu vực tìm kiếm rộng 120.000 km2 của Ấn Độ Dương.

Bất chấp mọi nỗ lực sử dụng các công nghệ tiên tiến và khoa học hiện có, cũng như mọi giả thuyết và lời khuyên từ các chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực, công cuộc tìm kiếm đã không thể xác định được chiếc máy bay, do đó việc tìm kiếm MH370 chính thức dừng lại.

Ba năm đã trôi qua kể từ ngày MH370 mất tích, hàng không thế giới vẫn chưa tìm được lời giải cho vụ mất tích đầy bí ẩn này./.

Rơi máy bay cứu hộ tại Nhật Bản, 3 người tử vong, 4 người mất tích

Rơi máy bay cứu hộ tại Nhật Bản, 3 người tử vong, 4 người mất tích

>>> Mỹ: Rơi máy bay cỡ nhỏ tại California khiến ít nhất 4 người thiệt mạng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục