30 năm thu hút FDI -Bài 1: Vì sao TP. Hồ Chí Minh luôn "hút" vốn ngoại?

08:46' - 08/09/2018
BNEWS Từ khi chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu lực từ ngày 1/1/1988 theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đến nay Tp. Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương đi đầu.

Trong 30 năm qua, dòng vốn FDI đã có những đóng góp, tác động đáng kể vào thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được xem là đầu tầu kinh tế của cả nước này. Song làm gì để tiếp tục duy trì vị thế, khắc phục những hạn chế của “viên kẹo ngọt” mang tên FDI cũng đặt ra cho thành phố không ít thách thức trong thời gian tới.

Bài 1: Vì sao TP. Hồ Chí Minh hấp dẫn vốn ngoại?

Trong chặng đường 30 năm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã qua, Tp. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực và duy trì được vai trò là “cánh chim đầu đàn” của cả nước trong lĩnh vực này. Những giải pháp, cách làm của Tp. Hồ Chí Minh cũng được rút kinh nghiệm để xây dựng chính sách, nhân rộng ra cả nước.

Hồ Bán nguyệt trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

*Những con số ấn tượng

Theo thống kê của UBND Tp. Hồ Chí Minh, sau 30 năm thực hiện chính sách thu hút vốn FDI, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 7.700 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,87 tỷ USD. Với số dự án và vốn đầu tư còn hiệu lực trên, Tp. Hồ Chí Minh duy trì vị trí đứng đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút vốn FDI.  

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018 (đến tháng 6/2018), tính chung cả vốn đầu tư thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 14,4 tỷ USD.

Cụ thể, trong giai đoạn này thành phố có 2.547 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (chiếm 36,2%). Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 28,8%; tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 14,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm hơn 10%.

Ngoài ra, thành phố có 525 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 2,14 tỷ USD. Thành phố cũng chấp thuận cho 6.340 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 7,27 tỷ USD.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, kể từ thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước bắt đầu xuất hiện. Đến năm 2016, hình thức này bắt đầu tăng vọt, dần dần chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư (năm 2015 chiếm 5,4%; năm 2016 chiếm 48,6%; năm 2017 chiếm 49%; ước năm 2018 chiếm 55%), trở thành xu hướng mới của dòng vốn FDI của thành phố.

Đánh giá về vai trò của nguồn vốn FDI đối với thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ, thành phố đánh giá cao những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nước ngoài đối với kinh tế - xã hội của thành phố. Từ chỗ chỉ đóng góp 11,3% GDP năm 1995, đến năm 2010 đã tăng lên 22,9% và hiện nay đang đóng góp 17% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Đối với kim ngạch xuất khẩu, năm 1995, doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng góp 8,8%, đến năm 2010 đã tăng lên 23,9% và hiện nay là 55,9%.

Ngoài việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội, doanh nghiệp nước ngoài còn tạo ra công ăn việc làm cho 270.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Cùng đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, hiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh về số lượng và vốn ở các hình thức đầu tư; tập trung vào những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm như dịch vụ kinh doanh bất động sản, bán buôn - bán lẻ, dịch vụ khoa học công nghệ và dịch vụ du lịch. Do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao, khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất, với khoảng hơn 40% tổng vốn đầu tư.

Chất lượng đầu tư đã có nhiều chuyển biến, đó là tỷ lệ các dự án thâm dụng lao động giảm hẳn, các nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn đến các ngành thâm dụng vốn, kỹ thuật công nghệ cao, bất động sản… Môi trường kinh doanh và không khí cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng sôi động. Sự năng động của nguồn vốn FDI đã giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Điều này góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết thất nghiệp…

*Phát huy hiệu quả lợi thế

 Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Kết quả trên, có thể nói yếu tố đầu tiên không thể phủ nhận đó là Tp. Hồ Chí Minh có vị trí địa lý thuận lợi và kinh tế - xã hội phát triển ổn định, thị trường nhiều tiềm năng. Đồng thời, thành phố có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, hàng không ... đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Lý giải về lý do lựa chọn Tp. Hồ Chí Minh là địa điểm đầu tư của mình, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết: Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, là đầu mối (Hub) kết nối kinh doanh, với khả năng cung cấp nhân lực chất lượng cao.

Bà Trần Xuân Diệu, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Digi-Tex (Đức) phân tích, Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước. Cơ sở hạ tầng của thành phố hiện cũng đi đầu cả nước và các dịch vụ chăm sóc y tế, bảo hiểm, trường học và xã hội tốt để mọi người có thể tập trung công việc và phát triển. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp phát triển và thành công hơn. Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh cũng dễ dàng thu hút đầu tư quốc tế và các nguồn cung ứng phong phú của doanh nghiệp từ đó cùng nhau hợp tác và phát triển.

Theo bà Olga Khamilova, Giám đốc Marketing Công ty Swiss Post Solution Việt Nam (Thuỵ Sỹ), khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin tại Công viên Phần mềm Quang Trung, điểm cộng của việc đầu tư ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh đó là khả năng tiếp cận và tuyển dụng số lượng lớn nhân viên trong khoảng thời gian ngắn cho các dự án và sự nhiệt huyết của lực lượng lao động trong công việc và nhiệm vụ được giao.  

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, sở dĩ thu hút vốn FDI của thành phố tăng là do nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao, môi trường đầu tư được cải thiện nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thể chế về đầu tư nước ngoài được phân cấp xuống cho địa phương, sở ngành giải quyết nên tiết giảm thời gian cho nhà đầu tư.

Cụ thể, trước đây, toàn bộ dự án đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, cách đây 3 - 5 năm giao về cho địa phương cấp phép và đến ngày 31/7/2015, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố cấp phép. Về hình thức đầu tư nước ngoài, trước đây có 3 hình thức là hợp tác liên doanh, liên doanh và 100% vốn nước ngoài thì hiện nay ngoài 3 hình thức này còn có thêm hình thức mua vốn, đóng góp cổ phần.

Cùng với đó, việc xúc tiến đầu tư được Tp. Hồ Chí Minh đặc biệt được chú trọng. Cải cách hành chính được tăng cường, trong đó đáng chú ý là thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ như đeo bám, phục vụ nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình triển khai dự án.

Ông Sử Ngọc Anh, cho biết, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng nên cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đưa ra dẫn chứng, trong hai năm 2016-2017, Tp. Hồ Chí Minh thu hút đầu nước ngoài từ trực tiếp và gián tiếp là 10,06 tỷ USD. Trong khi 5 năm trước (2011-2015), khu vực trên chỉ đạt 10,36 tỷ USD, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh nhận định, đây là những con số có ý nghĩa giúp Tp. Hồ Chí Minh giữ được tăng trưởng khá, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước. Đây là tín hiệu tốt nhưng cũng là thách thức lớn. Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, đồng hành để cải cách thể chế và tạo ra các giải pháp đột phá trong giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo.

Người đứng đầu Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh mong muốn các doanh nghiệp hãy đến với Tp. Hồ Chí Minh bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hãy chia sẻ và đồng hành cùng thành phố, tham gia, hỗ trợ thành phố triển khai thành công các dự án trọng điểm thông qua việc tư vấn, đầu tư về vốn, về giải pháp công nghệ đã được áp dụng thành công tại nước mình để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững./.

Bài 2: Những mô hình thí điểm mẫu ban đầu

>>> Những lý do nhà đầu tư Hàn Quốc chọn Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục