4 khu vực điểm nóng trên thế giới có nguy cơ xung đột vì nước

15:04' - 18/07/2017
BNEWS Nguy cơ xảy ra xung đột vì nước sẽ tăng trong vòng 15-30 năm nữa tại 4 khu vực điểm nóng trên thế giới.

Nguy cơ xảy ra xung đột vì nước sẽ tăng trong vòng 15-30 năm nữa tại 4 khu vực điểm nóng trên thế giới là Trung Đông, Trung Á, lưu vực sông Hằng-Brahmaputra-Meghna và lưu vực sông Orange và sông Limpopo ở miền Nam châu Phi.

Đây là dự báo mới nhất được đăng trên tạp chí Biến đổi Môi trường Toàn cầu (Global Enviromental Change) số ra mới đây.

Trong khi có hơn 1.400 con đập mới hoặc các dự án uốn dòng nước đã được lập kế hoạch hoặc được xây dựng, thì nhiều con đập trong số này nằm trên các dòng sông chảy qua lãnh thổ của nhiều nước, làm dấy lên nguy cơ xảy ra xung đột vì nước giữa một số quốc gia.

Nằm trong chương trình đánh giá nước xuyên biên giới của LHQ và với sự tham dự của các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Tây Ban Nha và Chile, công trình nghiên cứu về các lưu vực sông đã phối hợp một cách toàn diện cả những yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường để xác định những khu vực trên thế giới có nguy cơ cao nhất xảy ra xung đột "chính trị vì nước".

Nhà thủy văn học Eric Sproles- của Đại học bang Oregon, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu trên, cho biết nếu hai nước nhất trí về luồng nước và phân phối nước khi có chung một con đập ở thượng nguồn, thì thường không xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, xung đột thường xảy ra ở các nước có nhiều hệ thống sông ngòi, nơi có tinh thần dân tộc dâng cao, bất đồng chính trị, nạn hạn hán hoặc thời tiết biến đổi.

Sông Nile ở châu Phi, phần lớn các nước ở Nam Á, các nước Balkan ở miền Đông Nam châu Âu và vùng thượng Nam Mỹ là những khu vực có các đập nước đang được xây dựng, trong khi những nước lân cận đang phải đối mặt với nhu cầu về nước gia tăng sẽ dẫn tới việc khó đạt thỏa thuận hoặc thậm chí không thảo luận về các thỏa thuận này.

Theo nghiên cứu, châu Á đứng đầu các châu lục về số con đập sẽ hoặc đang được xây dựng ở lưu vực sông xuyên biên giới, với 807 con đập, tiếp đến là Nam Mỹ 354, châu Âu 148, châu Phi 99 và Bắc Mỹ 8 con đập.

Tuy nhiên, châu Phi lại là khu vực có mức độ căng thẳng chính trị vì nước cao hơn bởi có nhiều yếu tố làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng xung đột vì nước không chỉ do sự tiêu dùng của con người mà còn bởi các yếu tố khác như bất ổn kinh tế, chính trị và các cuộc xung đột vũ trang.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tính đa dạng sinh học tại nhiều hệ thống sông ngòi trên thế giới có nguy cơ bị đe dọa; nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng từ mức trung bình đến rất cao tại 70% khu vực có các lưu vực sông xuyên biên giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục