5 lĩnh vực Việt Nam hướng tới trong chu kỳ phát triển kinh tế mới

19:45' - 25/09/2019
BNEWS Tình hình kinh tế Việt Nam đang diễn biến rất tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt lần lượt 6,8% và 6,7% trong các năm 2019 và 2020, theo dự báo của ADB.
Ông Eric Sidgwick , Giám đốc Quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam. Ảnh: Phương Nga/TTXVN

Trong bản Cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 được công bố tại buổi họp báo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam ngày 25/9 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, mặc dù tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm 2019 và năm 2020, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB, để tìm hiểu rõ hơn về những đánh giá của ngân hàng này đối với triển vọng kinh tế, cũng như những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang còn nhiều bất ổn.
Phóng viên: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trải qua nhiều biến động, theo ông, đâu là những thách thức đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Việt Nam sẽ giải quyết những thách thức này bằng cách nào?

Ông Eric Sidgwick: Đầu tiên, chúng ta cần nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế Việt Nam đang diễn biến rất tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt lần lượt 6,8% và 6,7% trong các năm 2019 và 2020, theo dự báo của ADB.

Những số liệu này phù hợp với các ước tính về tăng trưởng mà ADB đã công bố từ 6 tháng trước. Từ đó, có thể thấy rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì các động lực tăng trưởng của mình.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng mặc dù những yếu tố bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể giúp Việt Nam hưởng lợi trong ngắn hoặc trung hạn, nhưng nếu chúng kéo dài và tạo ra hậu quả ngày càng nghiêm trọng, nhất là trên thị trường tiền tệ, thì Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Vì thế, đây sẽ là một điểm yếu đáng kể đối với một nền kinh tế mở cửa như Việt Nam.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục vận hành tốt, bởi vì đây là nền kinh tế được hậu thuẫn bởi rất nhiều điểm tích cực như nhu cầu nội địa mạnh mẽ, sức tiêu dùng tăng trong khi tỷ lệ lạm phát tương đối thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức khả quan. Chúng tôi cho rằng sự tích cực này sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng còn lại của năm 2019.
Phóng viên: Với những dự báo tăng trưởng kinh tế như hiện tại, có ý kiến cho rằng Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, ông đánh giá như thế nào về nhận định này và theo ông, đâu là những lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng trong kế hoạch chiến lược nhằm phát triển kinh tế mới sau giai đoạn 2011-2020?

Ông Eric Sidgwick: Cách đây 9 năm, vào năm 2010, Việt Nam đã chính thức vượt qua ngưỡng thu nhập thấp để trở thành một trong những quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, trên thế giới, các quốc gia tiên tiến đã mất từ 20-30 năm để dịch chuyển từ khung thu nhập thấp lên thu nhập cao.

Do đó, tôi cho rằng còn hơi sớm để khẳng định rằng Việt Nam đang vướng vào bẫy thu nhập trung bình, bởi chúng ta mới chỉ ở ngưỡng này có 9 năm và kể từ đó ghi nhận mức tăng trưởng lành mạnh.

Theo giả định của tôi, Chính phủ Việt Nam đang giám sát vấn đề này khá chặt chẽ. Họ muốn tạo ra sự đột phá về cải cách.

Tôi cho rằng điều quan trọng là nền kinh tế phải tạo ra được sự dịch chuyển từ những yếu tố như sử dụng nhiều lao động vốn, đất đai sang tăng cường hiệu quả năng suất lao động và tạo thêm nhiều giá trị cho các chuỗi cung ứng, sản xuất.

Dưới đây là 5 lĩnh vực Việt Nam cần tập trung trong chu kỳ phát triển kinh tế mới.

Đầu tiên là tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, không chỉ về mặt số lượng những công trình mà còn trong cả những yếu tố “mềm” hơn như các dịch vụ hậu cần và tính hiệu quả của những dịch vụ đó.

Thứ hai, Việt Nam cần chú trọng và việc phát triển nguồn lực con người, tăng cường giáo dục thực chất từ các cấp độ để đào tạo kỹ năng mà các thị trường yêu cầu, trong đó đặc biệt là kỹ năng về sử dụng công nghệ.

Thứ ba, Việt Nam cần tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước.

Trong thời gian qua, dù đầu tư nước ngoài tăng, nhưng khối doanh nghiệp trong nước mới là động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Chính vì vậy, trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vốn, trái phiếu… các doanh nghiệp trong nước cần có tiếng nói lớn hơn.

Thứ tư, hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế cũng cần phải được cải thiện, song song với yếu tố cuối cùng là tạo ra các động lực tăng trưởng kinh tế có khả năng kháng chịu với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.

Theo tôi, đây là những lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng để đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng ở tất cả các ngóc ngách.

Phóng viên: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định hạ lãi suất lần thứ hai trong năm 2019 giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?
Ông Eric Sidgwick: Tôi cho rằng động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một phần trong kế hoạch nới lỏng tiền tệ tổng thể của nền kinh tế này.

Không chỉ Mỹ mà hiện nay trên thế giới, có nhiều ngân hàng trung ương khác cũng có xu hướng điều chỉnh hạ lãi suất vì những quan ngại liên quan đến tăng trưởng.

Có một sự thật là các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng chậm lại và vì thế, việc cắt giảm lãi suất vào thời điểm này không phải là điều quá bất ngờ với các thị trường.

Trên thực tế, chúng tôi đã không ghi nhận bất kỳ phản ứng bất lợi lớn nào liên quan đến động thái điều chỉnh chính sách lãi suất gần đây của Fed.

Việc Fed hạ lãi suất có thể tác động đến kinh tế Việt Nam theo các hướng bao gồm trao đổi thương mại, tiền tệ và dòng vốn FDI.

Cho tới nay, mặc dù xuất khẩu và những cam kết về FDI tại Việt Nam đang có chiều hướng giảm, song những hoạt động này vẫn được duy trì ở mức mạnh mẽ, trong khi tỷ giá hối đoái cũng không biến động quá mạnh. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế là các điều kiện hỗ trợ tăng trưởng tốt và tỷ lệ lạm phát thấp ổn định.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng động thái của ngân hàng trung ương nước Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều đến một nền kinh tế đang được vận hành tốt như Việt Nam tại thời điểm này.

Dù vậy, về dài hạn, có một điểm tôi muốn lưu ý đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam đó là họ cần phải đạt chuẩn quốc tế của Hiệp ước Basel II vào đầu năm tới.

Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến từng bước áp dụng, nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiện nay, mới chỉ có khoảng 1/3 số ngân hàng của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II và một số trong đó còn gặp vướng mắc về vấn đề vốn sở hữu nước ngoài hay thanh khoản.
Phóng viên: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu cùng với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Ông nhận định thế nào và có khuyến cáo gì cho Việt Nam để ngăn chặn việc này?

Ông Eric Sidgwick: Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ về việc cần phải tránh để đất nước rơi vào trường hợp bị đánh giá là đang lợi dụng những căng thẳng thương mại trên thế giới để cạnh tranh không công bằng.

Điều này được minh chứng qua việc chính phủ rất quan tâm đến thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa. Quy tắc này quy định rất rõ rằng những sản phẩm có giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam phải được gắn mác rõ ràng để đề phòng trường hợp tái xuất bất hợp pháp.

Song song với đó, tôi cho rằng các cuộc thanh kiểm tra tại các cảng hàng hóa xuất - nhập khẩu, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành cũng là rất cần thiết để đảm bảo rằng sẽ không có hàng hóa của một nước thứ ba nào được “đội lốt” một cách trái phép và rời khỏi Việt Nam.

Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì với Việt Nam trong việc điều hành các chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu về tỷ lệ lạm phát tăng trưởng kinh tế như Việt Nam đã đặt ra?

Ông Eric Sidgwick: Hiện nay, các chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát định lượng, ví dụ như đặt ra các mục tiêu tín dụng về tổng thể của nền kinh tế hoặc của từng ngân hàng. Đây là công cụ trực tiếp tác động đến nền kinh tế.

Tuy nhiên theo thời gian, Việt Nam cần cần đẩy mạnh việc áp dụng những công cụ gián tiếp hơn thông qua cơ chế giá cả thị trường và các chính sách lãi suất.

Theo tôi, để làm được điều này, những biến số liên quan đến tác động của các chính sách lãi suất về tổng thể, lãi suất của từng ngân hàng và liên ngân hàng đối với hoạt động kinh tế cũng cần phải được nghiên cứu chặt chẽ để tạo điều kiện cho cơ chế giá cả thị trường hoạt động hiệu quả.

Đây là những vấn đề mang tính kỹ thuật và không thể mang lại hiệu quả ngay lập tức. Dù vậy, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã bắt đầu hướng đi này và công việc đó nên được tiếp tục.

Phóng viên:Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục