5 vấn đề nổi bật trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc năm 2022

06:30' - 01/12/2021
BNEWS Năm 2022, dự kiến Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường năng lực tự chủ nguồn cung chất bán dẫn và công nghệ cao.
Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã đối mặt với hàng loạt “cơn gió ngược” trong một năm qua. Do ảnh hưởng của các quy định ngày càng bị thắt chặt, hàng tỷ USD giá trị vốn hóa của công ty công nghệ đã bị “bốc hơi”. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường năng lực tự chủ nguồn cung chất bán dẫn và công nghệ cao. Dưới đây là 5 vấn đề đang được chú ý nhất trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc trong năm tới.

Chiến dịch “chấn chỉnh” lĩnh vực công nghệ

Đầu tháng 11/2020, giới chức Trung Quốc bất ngờ ra quyết định chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được kỳ vọng là lớn nhất thế giới của công ty Ant Group, qua đó giáng một đòn mạnh vào công ty công nghệ tài chính của “người khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba.

Sau đó, Chính phủ Trung Quốc liên tục ban hành một loạt quy định mới nhắm đến các công ty công nghệ như chống độc quyền, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng. Alibaba và nền tảng giao đồ ăn Meituan đều bị phạt vì vi phạm luật chống độc quyền.

Danh tiếng của nhiều tập đoàn Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến dịch tăng cường giám sát và kiểm soát lĩnh vực công nghệ này. Tính đến tháng 11/2021, cổ phiếu của Alibaba đã giảm 41% so với tháng 4/2021 - thời điểm công ty chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD.

Chất bán dẫn

Cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm dẫn đầu lĩnh vực công nghệ toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, với việc Bắc Kinh đang thúc đẩy các chính sách nhằm tăng cường năng lực “tự cung tự cấp” chất bán dẫn trong nước. Chip nhớ, hay chất bán dẫn, là thành phần thiết yếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, từ ô tô đến điện thoại di động.

Nhưng Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều khó khăn để bắt kịp Mỹ và các quốc gia khác, do chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu bị chi phối bởi các công ty nước ngoài.

Một ví dụ điển hình là lĩnh vực sản xuất chip. Hiện nay ba nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Intel của Mỹ, TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc. Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC vẫn chưa bắt kịp công nghệ của bộ 3 “người khổng lồ” nói trên. SMIC chưa thể chế tạo những loại chip tiên tiến mới nhất thường được sử dụng trong điện thoại thông minh.

Các công ty nước ngoài vẫn chiếm ưu thế với công nghệ và các thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất chip. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng khiến nhiều công ty Trung Quốc không thể tiếp cận với các thiết bị và công nghệ đó, và giảm khả năng cạnh tranh của họ với các công ty sản xuất chip khác trên thị trường.

Trong năm 2022, Trung Quốc sẽ làm thế nào để vượt qua những rào cản trên nhằm thúc đẩy ngành sản xuất chip nội địa sẽ là vấn đề được nhiều nhà quan sát chú ý.

Công nghệ tiên phong

Bán dẫn chỉ là một trong số nhiều ngành công nghệ cao mà Trung Quốc đang cố gắng nâng cao năng lực tự chủ sản xuất. 

Trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) được công bố vào đầu năm nay, chính phủ nước này tuyên bố sẽ coi mục tiêu tự cường và tự chủ khoa học công nghệ là trụ cột chiến lược cho sự phát triển quốc gia. Quy hoạch cũng xác định các lĩnh vực “công nghệ tiên phong” như trí tuệ nhân tạo (AI) và du hành vũ trụ.

Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong ngành công nghiệp vũ trụ, với việc thành công xây dựng trạm vũ trụ của nước này. Trung Quốc cũng có tham vọng đưa phi hành đoàn đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2033.

Liên quan đến trí tuệ nhân tạo, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc như Baidu hay Tencent đều đang rót hàng nghìn tỷ USD vào lĩnh vực này.

Xe điện

Một lĩnh vực khác mà Trung Quốc đang chú trọng là xe điện. Phát triển ngành công nghiệp xe điện là một phần trong nỗ lực giảm lượng khí thải để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060.

Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ phát triển và sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới bằng nhiều gói trợ cấp và các chính sách ưu đãi. Nước này cũng tạo điều kiện cho hàng chục nghìn công ty tham gia vào lĩnh vực xe điện, mặc dù nhiều công ty trong số đó chưa từng sản xuất một chiếc ô tô nào.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, khoảng 1,1 triệu xe điện đã được bán ra trong nửa đầu năm 2021, gần bằng doanh số bán của cả năm 2020. Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Sự phát triển của thị trường xe điện cũng nhanh chóng thu hút nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực này. Tập đoàn Xiaomi nổi tiếng với điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử gia dụng, dự kiến sẽ “trình làng” mẫu xe điện đầu tiên của mình vào nửa đầu năm 2024. Baidu quyết định hợp tác với công ty chế tạo ô tô Geely của Trung Quốc và thành lập công ty mới để sản xuất xe điện. 

Kinh tế tăng trưởng chậm lại

Các công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang phải tìm cách thích ứng với những rủi ro có thể xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Những thách thức kinh tế khác có thể kể đến như chi tiêu tiêu dùng ảm đạm, tình trạng thiếu điện và các biện pháp mạnh tay của giới chức Trung Quốc nhằm kiềm chế nguy cơ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Tâm lý thận trọng về triển vọng thời gian tới cũng thể hiện qua báo cáo tài chính của nhiều công ty công nghệ. Alibaba mới đây dự đoán doanh thu năm nay sẽ không mấy khả quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục