6 tháng giảm lệ phí trước bạ, doanh số thị trường ô tô Việt Nam vẫn giảm sút

16:50' - 10/01/2024
BNEWS Chiều 10/1, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên.

Năm 2023, đánh dấu một năm đầy thách thức cho thị trường ô tô Việt Nam, khi doanh số bán của các đơn vị thành viên VAMA không đạt được như kỳ vọng, thậm chí giảm mạnh đến 25% so với năm trước dù có đến 6 tháng được giảm 50% lệ phí trước bạ, do tác động của yếu tố kinh tế và các yếu tố khác.

 

Cụ thể, theo báo cáo bán hàng của VAMA công bố chiều 10/1/2024, doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên tháng 12/2023 đạt 38.740 xe, tăng 39% so với tháng trước. Trong tổng doanh số bán hàng này có 32.133 xe du lịch, tăng 43%; 6.407 xe thương mại, tăng 20,5%; và 200 xe chuyên dụng, tăng 9% so với tháng trước.

Về nguồn gốc xe, trong khi xe sản xuất lắp ráp trong nước tiêu thụ được 24.044 xe, tăng 33% thì doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.696 xe, tăng 49% so với tháng trước.

Mặc dù có dấu hiệu hồi phục tháng 12, nhưng tính chung cả năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 301.989 xe các loại, giảm 25% so với năm trước. Điều đáng chú ý cả ba phân khúc xe đều giảm mạnh, xe ô tô du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm đến 56%.

Cũng tính đến hết tháng 12/2023, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 181.380 xe, giảm 20% trong khi xe nhập khẩu là 120.609 xe, giảm 32% so với năm ngoái.

Dẫn dắt doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam của các thành viên VAMA trong năm qua là thương hiệu Toyota khi tiêu thụ được 57.414 xe. Các vị trí tiếp theo là Kia tiêu thụ được 40.773 xe, Ford 38.322 xe, Mazda 35.632 xe, Mitsubishi 30.894 xe và Honda 23.802 xe.

Trước đó, đại diện VAMA cho rằng, với những lợi ích mà việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước mang lại, kèm theo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, sẽ tạo động lực kích cầu mua sắm ô tô của người tiêu dùng.

Qua đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số và thị trường ô tô nói chung sẽ khởi sắc trong tháng cuối cùng áp dụng chính sách ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ của Chính phủ.

Đúng như dự báo của VAMA, thị trường ô tô tháng 12 đã tăng tốc về doanh số bởi đây là tháng bước vào mùa mua sắm cao điểm trong năm và cũng là tháng cuối cùng áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cùng với việc các hãng xe tiếp tục tặng đến 100% lệ phí trước bạ, giúp giá lăn bánh xe giảm từ hàng chục triệu đến hơn nửa tỷ đồng.

Tuy nhiên, khép lại năm 2023, các chuyên gia trong ngành cho rằng, mặc dù doanh số tháng cuối năm tăng trưởng đột phá nhưng cũng không bù đắp được doanh số trồi sụt nhiều tháng trong năm qua.

Đặc biệt, trong năm 2023 có đến 6 tháng Chính phủ cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, cùng với đó là doanh nghiệp hỗ trợ 50% lệ phí còn lại hoặc ưu đãi 100% lệ phí đối với xe nhập khẩu cũng đã không giúp thị trường ô tô bứt phá về doanh số.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh số bán xe cả năm 2023 sụt giảm cho thấy kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19, cộng thêm các diễn biến bất ổn khó lường của kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu thời gian qua đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Đối với năm 2024, dự kiến sự phục hồi kinh tế và nhu cầu mua xe có thể là những động lực tích cực cho thị trường ô tô Việt Nam. Các nhà sản xuất và đại lý có thể tận dụng cơ hội này để đổi mới chiến lược kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục