7 tháng, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 11%

11:13' - 30/07/2018
BNEWS Nếu tính cả 1.460 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2018 là 2.231 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tổng cục Thống kê vừa công bố, 7 tháng năm 2018, cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 771 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Nếu tính cả 1.460 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2018 là 2.231 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 18.696 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay lên gần 94,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 7 tháng năm 2018 là 623 nghìn người, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, theo lĩnh vực hoạt động, trong 7 tháng năm nay có 25,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 33,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; 10 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,3%), tăng 5,2%;

Có 9,4 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,4%), giảm 0,9%; 5,7 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,6%), tăng 3,9%; 4,4 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,8%), tăng 15,4%...

Trong 7 tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 22,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,2%; Trung du và miền núi phía Bắc 3,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,8%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 10,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,4%; Tây Nguyên 1,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,2%; Đông Nam Bộ 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 5%; Đồng bằng sông Cửu Long 5,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,4%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng năm 2018 là 59.910 doanh nghiệp, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 19.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% và 39.916 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 45,6%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng năm 2018 là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 7.043 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,3% và tăng 15,4%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,2%; xây dựng có 792 doanh nghiệp, tăng 6,9%.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chú trọng cho vay những lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục