75 năm TTXVN: Nguồn tin đáng tin cậy của kiều bào

10:08' - 15/09/2020
BNEWS Đối với những người Việt ở xa Tổ quốc, thông tin của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là nguồn tin đáng tin cậy, như một cầu nối giữa kiều bào với quê hương.

Cũng giống như nhiều người con xa xứ khác, Tiến sỹ Vũ Đức Lượng, người nhiều năm học tập sinh sống ở Hàn Quốc và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn tìm kiếm tin tức của TTXVN khi cần những thông tin chính thống, đầy đủ. Thường xuyên đọc và cập nhật thông tin trên  trang  https://www.vietnamplus.vn/ và https://vnanet.vn/ cũng như xem Truyền hình Thông tấn (Vnews) của TTXVN, anh nhận xét: “Với vị trí là cơ quan Thông tấn quốc gia, TTXVN đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng trên mặt trận thông tin đang diễn ra ngày càng phức tạp, dòng thông tin chủ lưu, chính thống của TTXVN có vai trò, ảnh hưởng rất lớn tới dư luận, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội”.

Anh Lượng cho biết thêm các hoạt động, thông tin của Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã được Cơ quan thường trú TTXVN tại Hàn Quốc đăng tải, đưa tin kịp thời, nhanh chóng, góp phần lan tỏa về quê hương hình ảnh người Việt tại Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, cũng qua tin tức của TTXVN, Hội đã nắm bắt kịp thời, chính xác các thông tin trong nước, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt trong thời gian qua, tin tức về dịch COVID-19 của TTXVN đã giúp bà con ta nắm bắt nhanh chóng, chính xác tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc và Việt Nam để có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Anh Trần Thiện Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) cũng thường xuyên theo dõi các kênh thông tin của TTXVN để biết tình hình chính trị, kinh tế và đời sống ở Hàn Quốc và Việt Nam. Anh Quang đánh giá: “Khi cập nhật các thông tin quan trọng và cần có độ xác thực cao, tôi thường tìm đến kênh thông tin của TTXVN. Tôi nhận thấy đây là nguồn tin có tính xác thực rất cao và nhanh”.

Cũng theo anh Quang, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh chóng và xuất hiện nhiều tin giả, tin không chính xác trên mạng, ban chấp hành VSAK luôn cập nhật thông tin của TTXVN đầu tiên, đặc biệt là các tin liên quan đến kiều bào, sinh viên tại Hàn Quốc, rồi trích dẫn và gửi đến các hội viên. Anh dẫn chứng trong dịch COVID-19, xuất hiện nhiều tin giả về việc đưa kiều bào về nước hay tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của Nhà nước Việt Nam và khiến các bạn sinh viên hoang mang, VSAK đã cập nhật tin tức của TTXVN rồi nhanh chóng truyền tải đến các bạn du học sinh Việt Nam tại đây, giúp các bạn an tâm và ổn định tinh thần, tin tưởng vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, TTXVN cũng giúp VSAK truyền tải các hoạt động, sinh hoạt, và tình hình du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đến bạn bè bốn phương và bà con trong nước.

Cùng chung những ý kiến đánh giá trên, chị Tạ Thị Thanh Thúy – Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết là một cán bộ công tác tại cơ quan đại diện nên việc theo dõi, cập nhật thông tin trong và ngoài nước đối với chị là vô cùng quan trọng. Do đó, chị thường đọc và xem tin tức trên trang vietnamplus.vn và vnews.gov.vn. Theo chị, thông tin được đăng tải trên trang báo điện tử này cũng như các video clip của Truyền hình Thông tấn đảm bảo tính thời sự, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của người đọc, người xem. Chị Thúy chia sẻ tin tức của TTXVN đã giúp ích cho hoạt động của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Chị đánh giá: “Trong công tác quản lý lao động, việc cập nhật các chính sách có liên quan đến người nước ngoài nói chung và người lao động nói riêng là rất cần thiết vì những chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. TTXVN giúp Ban Quản lý lao động cập nhật các thông tin có liên quan như chính sách đối với người lao động hay các vấn đề phát sinh với người lao động trên địa bàn (tai nạn, hỏa hoạn v.v…)”.

Từ những thông tin ban đầu đó, Ban Quản lý lao động đã kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp. Chị cho biết Cơ quan thường trú TTXVN tại Hàn Quốc còn hỗ trợ Ban Quản lý lao động trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách của Hàn Quốc tới người lao động tại Hàn Quốc và gia đình người lao động tại Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật của lao động ta tại Hàn Quốc.

Anh Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) nhấn mạnh: “Tôi thấy TTXVN những năm gần đây đã có những bước phát triển phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế và trên thực tế đã trở thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, phát triển tất cả các loại hình báo chí: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, truyền thông đa phương tiện và sách…Với đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật tốt, TTXVN đã cung cấp trực tiếp những thông tin chính xác, đúng và nhanh chóng tới công chúng”.

Anh Trần Hải Linh cho rằng trong thời đại truyền thông số phát triển mạnh mẽ, cùng những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng, việc TTXVN có Cơ quan thường trú tại Hàn Quốc với đầy đủ nền tảng kỹ thuật và con người trong những năm qua đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng người Việt tại đây. Anh bày tỏ: “VKBIA đã được TTXVN hỗ trợ một cách tích cực nhất, để từ đó cùng góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển quan hệ hai nước Việt – Hàn ngày càng tốt đẹp”.

Là người có nhiều kỷ niệm với TTXVN từ những ngày còn học phổ thông, bà Phạm Thanh Xuân, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Nga, say sưa kể về một thời “đứng chầu chực, không quản nắng mưa” để có được một bản tin thể thao của TTXVN, cùng chuyền tay nhau đọc và giữ gìn cẩn thận các bản tin đó.

Với gia đình bà, thông tin của TTXVN tựa như “cánh chim báo tin vui”, bởi năm 1987, gia đình biết bà Xuân, khi đó còn là học sinh phổ thông, đạt Huy chương Vàng trong cuộc thi Olympic tiếng Nga quốc tế tổ chức tại Moskva, là từ những dòng tin của TTXVN. Gia đình bà đều có chung nhận định rằng thông tin của TTXVN là nhanh nhạy, cập nhật nhất và rất tin cậy.

Chia sẻ những bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, Bà Xuân kể lại kỷ niệm hơn 30 năm về trước: “Đây là những bức ảnh của phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã chụp vào năm 1987. Vào đúng giây phút chúng tôi được nhận Huy chương Vàng cuộc thi Olympic tiếng Nga, các phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã có mặt và ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc này. Trong suốt 15 ngày tham dự cuộc thi ở Moskva, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, cổ vũ động viên từ các phóng viên TTXVN”.

Bà Xuân tâm sự, sau này, cứ mỗi lần đi ngang qua trụ sở TTXVN ở phố Lý Thường Kiệt, bà lại nhớ đến những kỷ niệm không phai về một thời tuổi thơ gắn bó với cơ quan thông tấn quốc gia. Rồi đến khi sang Nga và tham gia các hoạt động cộng đồng cũng như trong công việc của Hội người Việt Nam tại Nga, bà Xuân lại có nhiều dịp tiếp xúc, phối hợp công việc với các phóng viên TTXVN. Theo bà, đó là “những con người nhiệt huyết, rất yêu nghề, không kể ngày đêm hay bão tuyết, luôn sẵn sàng hỗ trợ, động viên bà con trong các hoạt động chung của cộng đồng”.

Cũng như bà Xuân, ông Nguyễn Quốc Hùng, cán bộ Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đại diện Hội Luật gia Việt Nam, dù đã hơn 30 năm sinh sống tại Nga, vẫn nhớ những ấn phẩm đầu tiên của TTXVN, nhớ tờ “Văn hóa và Thể thao quốc tế” (sau này là Thể thao và Văn hóa) mà ông đã mang theo sang Nga, luôn dõi theo những bước phát triển của tờ báo này, trong đó có Giải thưởng Âm nhạc cống hiến do báo tổ chức.

Theo ông Hùng, các ấn phẩm của TTXVN rất đa dạng, thông tin phong phú, chính xác, kịp thời, khách quan, vừa có những tin mang tính thời sự, vừa có những bài viết chuyên sâu. Ông Hùng chia sẻ: “Bất cứ khi làm một nghiên cứu gì, tôi đều dựa vào các thông tin cơ bản của TTXVN, bởi vì đây là một nguồn tin chính thống, có độ tin cậy cao”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục