80% nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đã sản xuất trở lại

15:16' - 08/04/2020
BNEWS Theo báo cáo của Nikkei, khoảng 80% các công ty Nhật Bản được khảo sát cho biết các nhà máy của họ ở Trung Quốc đã khôi phục hoạt động sản xuất như bình thường.

Truyền thông và các chuyên gia Nhật Bản đã lưu ý rằng người dân và các hoạt động logistics ở Trung Quốc đã bắt đầu “hồi sinh” vì nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu phục hồi nhanh sau những ảnh hưởng tiêu cực tạm thời của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhà nghiên cứu Kokichiro Mio tại Viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản) cho biết trước đây Chính phủ Trung Quốc đã duy trì các hoạt động kinh tế bao gồm sản xuất và tiêu thụ ở mức tối thiểu cần thiết để hạn chế sự bùng phát COVID-19. 

Còn hiện tại khi  dịch bệnh ở Trung Quốc đang giảm dần, nước này đang cố gắng bình thường hóa các hoạt động kinh tế và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang dần thoát khỏi tình trạng sụt giảm. 

Theo báo cáo của Nikkei, khoảng 80% các công ty Nhật Bản được khảo sát cho biết các nhà máy của họ ở Trung Quốc đã khôi phục hoạt động sản xuất như bình thường.

Hãng thông tấn Kyodo gần đây đã báo cáo rằng kể từ cuối tháng 3/2020, 4 nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc của Toyota Motor Corporation đã hoạt động trở lại bình thường với công suất đạt mức trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020.

Ngoài ra, hoạt động logistics toàn cầu cũng cho thấy đà phục hồi ở Trung Quốc. Theo công ty phân tích dữ liệu vệ tinh Orbital Insight (Mỹ), Thượng Hải đã “chứng kiến” sự gia tăng về số lượng tàu rời cảng kể từ giữa tháng 3/2020 trong khi vận tải đường thủy nội địa ở các thành phố như Trùng Khánh cũng có sự tăng trưởng.

Nhiều công ty Nhật Bản đang đặt hy vọng vào Trung Quốc trong việc dẫn đầu đà phục hồi kinh tế toàn cầu và hiện dự kiến sự phục hồi nhu cầu trong nước của Trung Quốc.

Trendexpress, công ty Nhật Bản chuyên nghiên cứu thị trường tiêu dùng của Trung Quốc, đã sử dụng nhiều dữ liệu khác nhau để mô tả các đặc điểm của "nền kinh tế ở nhà" của Trung Quốc và cho rằng thói quen chi tiêu của người dân sẽ thay đổi sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

Trong khi đó, ông Takashi Kodama, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa, cho biết sự tiến triển trong phục hồi kinh tế của Trung Quốc là đáng chú ý.

Theo ông Kodama, nếu tiêu dùng tư nhân ở Trung Quốc – vốn ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu -  có thể phục hồi nhanh chóng thì sẽ mang lại hy vọng cho các quốc gia khác, cũng như những thị trường tài chính trên thế giới.

Về phần mình, ông Jin Jianmin, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo (Nhật Bản), cho rằng Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã hợp tác chặt chẽ để chống lại COVID-19 bằng các công nghệ tiên tiến, qua đó mang đến cơ hội tăng cường nền kinh tế kỹ thuật số của nước này.

Theo ông Jianmin, sự bùng nổ của dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc song chỉ có tác động ngắn hạn đối với các ngành công nghiệp và thị trường của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục