9 tháng, kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực

19:01' - 28/09/2019
BNEWS Bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam 9 tháng qua có những chuyển biến tích cực, mục tiêu tăng trưởng đạt 6,8% trong năm 2019 là rất khả quan, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.

Khẳng định tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2019, được tổ chức ngày 28/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, 9 tháng năm 2019, bức tranh kinh tế - xã hội  Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến tích cực, mục tiêu tăng trưởng đạt 6,8% trong năm 2019 là rất khả quan.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng đã chỉ ra, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, đó là kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi; hậu quả của biến đổi khí hậu…

Những điểm sáng của nền kinh tế

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh; cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá...

Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trng 9 tháng qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.

Lý giải về mức tăng thấp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân chủ yếu do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu.

Vì thế, ngành nông nghiệp tăng 0,74%, chỉ cao hơn mức tăng 0,02% của cùng kỳ năm 2016 trong giai đoạn 2012-2019, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nhưng điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản đạt kết quả khá với mức tăng 6,12%, ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp.

Ông Nguyễn Bích Lâm đã cho rằng, “cứu cánh” của tăng trưởng kinh tế 9 tháng là khu vực công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt, bù đắp cho những thiếu hụt của ngành nông, lâm, thủy sản.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này, là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn là ngành đi đầu đóng góp cho nền kinh tế với mức tăng 11,37% trong 9 tháng đầu năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong các nước Asean về chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành chế biến chế tạo tăng trưởng đều qua các quý, quý sau cao hơn quý trước, tăng trưởng ở hầu hết các ngành.

Ngoài ra, cũng theo ông Lâm, tăng trưởng kinh tế còn được hỗ trợ tốt nhờ vào việc thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng trưởng mạnh xuất nhập khẩu, Việt Nam vẫn xuất siêu trong bối cảnh thương mại toàn cầu chững lại do tác động từ các cuộc chiến tranh thương mại... Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 194 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và riêng các mặt hàng này chiếm tới 89,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nói trên.

Trong 9 tháng qua, có gần 102.300 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% về số lượng doanh nghiệp và 34% về vốn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như: tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ước tính bằng 59,5% kế hoạch được giao.

Thực trạng thu hút vốn đầu tư trong 9 tháng cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một điểm nghẽn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; hạn chế về hạ tầng có thể khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Không những thế, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Đạt mục tiêu tăng trưởng là khả quan

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI và ODA; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân để huy động các nhà đầu tư và nhà thầu trong nước tham gia vào hoạt động đầu tư và thi công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng, miền nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp cũng nhấn mạnh đến giải pháp cần khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng ở các khâu, quản lý tốt chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra. Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Ông Lê Trung Hiếu cũng dự đoán, trong quý 4 có hai sản phẩm cho thu hoạch là cà phê cà cao su với cơ cấu giá trị lớn sẽ góp phần giúp ngành nông nghiệp tăng trở lại.

Bên cạnh đó, nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đặc biệt nhấn mạnh đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biến động của đồng đô la Mỹ, đồng Nhân dân tệ và giá cả các mặt hàng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm thích hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%; đồng thời, chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào thời điểm cuối năm.”, ông Lâm nhấn mạnh./.

Xem thêm:

>>5 lĩnh vực Việt Nam hướng tới trong chu kỳ phát triển kinh tế mới

>>ADB: Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế vững vàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục