“Ác mộng” đối với ngành công nghiệp thịt lợn châu Âu

15:24' - 16/06/2024
BNEWS Truyền thông Trung Quốc đưa tin các công ty Trung Quốc đã yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) vào nước này.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin các công ty Trung Quốc đã yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) vào nước này. Động thái này xuất hiện sau khi EU áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. 

 

Ngành công nghiệp thịt lợn châu Âu sẽ đối mặt với một “cơn ác mộng" nếu điều này thật sự xảy ra. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu thịt lợn tương đương giá trị 6 tỷ USD, bao gồm cả nội tạng, trong năm 2023. Trong đó, hơn một nửa đến từ EU. Việc chấm dứt những đơn đặt hàng sẽ gây ra tổn thất lớn về kinh doanh cho ngành thịt của “Lục địa Già”.

Ông Justin Sherrard, chiến lược gia toàn cầu về protein động vật tại Rabobank, cho biết: “Việc đình chỉ hoàn toàn xuất khẩu thịt lợn từ EU sang Trung Quốc sẽ là một kịch bản ác mộng tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng thịt lợn, những tác động sẽ được cảm nhận trên toàn EU”.

Chiến lược gia Sherrard nói thêm rằng sự gián đoạn sẽ lây lan sang khắp các chuỗi cung ứng thịt lợn ở châu Âu, đẩy giá và tỷ suất lợi nhuận xuống thấp hơn.

Trung Quốc mua thịt lợn bao gồm cả các bộ phận như tai, mũi và chân, do nhu cầu từ khách hàng châu Âu rất ít. Các nhà phân tích cho biết khả năng xuất khẩu những bộ phận này giúp nâng cao giá trị thân thịt.

Chuyên gia Sherrard cho biết: “Sẽ mất thời gian, nhưng các nhà xuất khẩu EU có thể tìm được thị trường thay thế cho lượng thịt cắt miếng vốn đang được vận chuyển sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ khả năng tìm được một thị trường nhập khẩu thay thế đối với nội tạng lợn”.

Tây Ban Nha là nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất sang Trung Quốc trên toàn cầu, với doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm.

Phát biểu với các phóng viên tại trung tâm chăn nuôi Lleida của Tây Ban Nha, Bộ trưởng Công nghiệp nước này cho biết cả EU và Trung Quốc đều sẽ chịu thiệt hại nếu các biện pháp này có hiệu lực.

Interporc, đại diện cho các nhà sản xuất thịt lợn Tây Ban Nha, cũng đồng tình với quan điểm này. Cơ quan này cho biết: “Điều chúng tôi hy vọng là mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ luôn tốt đẹp và chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng mối quan hệ tốt đẹp này sẽ tiếp tục”.

Ngành công nghiệp thịt lợn của Đức đã phải chịu lệnh cấm nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2020 sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở nước này.

Nhà chế biến thịt lợn lớn nhất nước Đức Toennies dự báo giá thịt lợn sẽ giảm nếu các nhà xuất khẩu như Tây Ban Nha tìm kiếm thị trường mới sau khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc bị mất đi.

Người phát ngôn của Toennies, Thomas Dosch, cho biết: “Nếu các nhà xuất khẩu EU, đặc biệt là Tây Ban Nha, không thể bán thịt lợn sang Trung Quốc, một số sản phẩm sẽ phải được tiêu thụ ở châu Âu và có thể gây áp lực giảm giá thịt lợn tại khối”.

Sau khi nhận thấy không thể bán thịt lợn sang Trung Quốc sau lệnh cấm, các nhà sản xuất thịt lợn ở Đức đã phải tìm kiếm đầu ra thay thế cho một số bộ phận của lợn, bao gồm nguyên liệu làm xúc xích, thức ăn cho vật nuôi và mỡ công nghiệp.

Tuy nhiên, người phát ngôn Dosch cho biết, những lựa chọn này không mang lại lợi nhuận cao như bán trực tiếp cho Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết, khu vực Nam Mỹ có thể được hưởng lợi nếu Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung thay thế. Nhà phân tích về thịt Tim Koch tại công ty tư vấn thị trường AMI của Đức, cho biết: “Doanh số bán hàng tăng thêm sẽ đến từ Brazil (Bra-xin), quốc gia đã mở rộng khả năng xuất khẩu trong những năm qua”.

Nhà phân tích về thịt người Pháp và là cộng tác viên của tạp chí đánh giá hàng hóa Cyclope Jean-Paul Simier cho biết Nga cũng có thể góp phần bù đắp một phần lượng hàng xuất khẩu bị mất từ châu Âu.

"Nga đã tăng cường sản xuất thịt lợn và thịt bò. Hiện nước này đã tự cung tự cấp được thịt lợn", ông Jean-Paul Simier nói và cho biết thêm Nga đã bắt đầu ký các thỏa thuận về an toàn thực phẩm với Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục