Lý do EU “mạnh tay” tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc

06:30' - 15/06/2024
BNEWS Quyết định áp thuế của EC là chưa từng có tiền lệ. Đây là một phần của cuộc điều tra “chống trợ cấp” do Ủy ban châu Âu phát động vào ngày 4/10/2023 đối với các loại xe điện của Trung Quốc
Theo báo Les Echos, Ủy ban châu Âu (EC), ngày 12/6, thông báo sẽ áp đặt mức thuế tạm thời lên đến 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một động thái có thể tạo ra phản ứng và những biện pháp phản ứng từ phía Trung Quốc.

EC cho biết các khoản trợ cấp nhà nước của Bắc Kinh đã bóp méo thị trường và làm suy yếu ngành công nghiệp châu Âu bằng các sản phẩm giá rẻ. Lệnh áp thuế mới sẽ được áp dụng vào tháng 7/2024. Cụ thể ngoài khoản thuế nhập khẩu 10% hiện tại, các hãng xe điện của Trung Quốc sẽ phải chịu thêm thuế bổ sung, bao gồm 17,4% đối với xe điện của hãng BYD, 20% đối với xe của hãng Geely và 38,1% đối với hãng SAIC.

Ngoài ra, các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc, đồng ý hợp tác trong cuộc điều tra chống trợ cấp nhà nước của EU, sẽ phải chịu mức thuế hải quan 21% và những hãng không hợp tác sẽ phải trả thuế lên tới 38,1%.

Theo một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), EC vẫn đang xem xét trường hợp của Tesla. Thương hiệu này hiện có một nhà máy ở Trung Quốc. Trong khi, tập đoàn Renault cũng nhập khẩu mẫu xe Dacia Spring từ Trung Quốc và BMW cũng bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ bị áp mức thuế 21%.

Các mức thuế - trung bình tăng 21% (ngoài mức 10% hiện tại) - sẽ có hiệu lực từ ngày 5/7 nếu không hãng nào trong diện điều tra có thể đưa ra giải pháp làm hài lòng Brussels. Theo tính toán của EC dựa trên khối lượng nhập khẩu hiện tại, số tiền thuế bổ sung có thể thu được sẽ lên ít nhất là 2 tỷ euro (2,16 tỷ USD).

 
Quyết định áp thuế của EC là chưa từng có tiền lệ. Đây là một phần của cuộc điều tra “chống trợ cấp” do Ủy ban phát động vào ngày 4/10/2023. “Cạnh tranh phải công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động trước tình trạng nhập khẩu xe điện được trợ cấp quá mức từ Trung Quốc ngày càng tăng. Ngành công nghiệp của chúng tôi có nguy cơ bị tổn hại”, Ủy viên thương mại Valdis Dombrovskis khẳng định.

Theo tính toán của Rhodium Group, năm 2023, Trung Quốc đã bán hơn 10 tỷ USD xe điện cho EU, chiếm gần 40% tổng số xe nhập khẩu của toàn khối. “Các thương hiệu Trung Quốc chứng kiến thị phần của họ tăng từ 1,9% vào năm 2020 lên 8,8% trong quý III/2023 (và từ 3,9% lên 25% đối với tất cả các loại xe sản xuất tại Trung Quốc) và có thể đạt 17% vào năm 2025”, ủy viên Dombrovskis cho biết.

Hiện tại, các khoản thuế hải quan này chỉ mang tính phòng ngừa và tạm thời trong khi chờ mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được ấn định vào đầu tháng 11 tới và sẽ áp dụng trong 5 năm, có thể gia hạn. Cho đến lúc đó, Chính phủ và các nhà sản xuất Trung Quốc có thể đàm phán với EC để giải quyết vấn đề và có quyết định tiếp theo.

Ông Dombrovskis nhấn mạnh: “Mục tiêu của EC không phải là đóng cửa thị trường đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, mà chỉ để chống lại các khoản trợ cấp không công bằng”.

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả và cho biết có thể sẽ thực hiện các biện pháp mạnh tay trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng không và thậm chí cả ô tô. Trên thực tế, Bắc Kinh đã mở một cuộc điều tra nhằm áp thuế hải quan đối với các sản phẩm rượu cognac của Pháp và kết quả sắp được công bố.

“Cuộc điều tra chống trợ cấp là chủ nghĩa bảo hộ điển hình. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiểm (Lin Jian) tuyên bố ngày 12/6.

Theo chuyên gia Moritz Schularick của Viện Kiel, một tổ chức tư vấn kinh tế độc lập, động thái áp thuế mới của EU sẽ tạo ra tác động đáng kể đến dòng chảy hàng hóa hai bên. Tổng mức thuế hải quan mà EU áp đặt lên tới 31%, có thể dẫn đến việc giảm 25% lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, tương ứng với giá trị khoảng 4 tỷ USD.

Nhưng theo các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley – với những tính toán gần đây dựa trên giả định thuế hải quan tăng 20% – các hãng Trung Quốc có thể tăng giá và duy trì khả năng cạnh tranh, mặc dù lợi nhuận trên mỗi chiếc xe có thể bị giảm một nửa. Điều chắc chắn là việc tăng giá, hậu quả của các biện pháp từ EC, sẽ làm tăng chi phí của quá trình chuyển đổi khí hậu...

Các quốc gia thành viên EU sẽ phải cho ý kiến về các biện pháp mà EC đã công bố và có thời hạn đến ngày 15/7 để thực hiện việc này. Pháp hay thậm chí Tây Ban Nha, những nhà sản xuất ô tô lớn, có thể lên tiếng bảo vệ EC. Nhưng Đức thì chưa chắc. Các doanh nghiệp nước này đã bán rất nhiều ô tô ở Trung Quốc, cũng như Thụy Điển hay Hungary. Nhiều ý kiến cho rằng cả ba nước đều không muốn đón nhận các biện pháp đáp trả của Trung Quốc.

Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh có thể chưa hành động cho đến khi có xác nhận từ Brussels vào ngày 4/7 - thời điểm thực tế về mức thuế tạm thời mà EU phải quyết định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục