ADB: Các nền kinh tế châu Á đối diện rủi ro gia tăng

11:28' - 21/09/2023
BNEWS Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực châu Á xuống mức 4,7% với nhận định các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đối diện với rủi ro gia tăng.

Theo Phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực châu Á xuống mức 4,7% với nhận định các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đối diện với rủi ro gia tăng.

 

Báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á" tháng 9 do ADB công bố ngày 20/9 dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á năm nay sẽ tăng 4,7%. Con số này thấp hơn một chút so với mức 4,8% đưa ra hồi tháng Tư, nhưng vẫn cao hơn mức 4,3% của năm 2022. 

ADB cho rằng triển vọng kinh tế của khu vực đang đối diện với nhiều rủi ro, bao gồm ngành bất động sản Trung Quốc suy yếu, lãi suất ở nhiều nước tăng cao, hiện tượng thời tiết El Nino đe dọa nguồn cung lương thực, những hạn chế về vận chuyển lương thực do tác động của xung đột Nga – Ukraine, cũng như một số nước thực hiện biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho hay một số ngân hàng trung ương của khu vực này đã bắt đầu hạ lãi suất, điều có lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

ADB dự báo, tỷ lệ lạm phát của châu Á và Thái Bình Dương sẽ giảm từ mức 4,4% của năm ngoái xuống còn 3,6%. Mức lạm phát năm 2024 dự kiến là 3,5%.

"Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á" được đề cập trong báo cáo bao gồm 46 thành viên của tổ chức này.

Báo cáo của ADB cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 4,9%. ADB nhấn mạnh sự suy giảm của ngành bất động sản Trung Quốc có thể "cản trở đà tăng trưởng của khu vực". 

Theo số liệu chính thức, Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng Bảy vừa qua với giá cả tại nước này giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trước khi phục hồi trở lại trong tháng Tám.

ABD cũng hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ 6,4% xuống còn 6,3%. Báo cáo lưu ý đầu tư công của Ấn Độ vẫn mạnh và sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo ADB, mặc dù nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến cho xuất khẩu sụt giảm, ngành du lịch phục hồi và nhu cầu trong nước mạnh đã hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong khu vực. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục