ADB hỗ trợ Cần Thơ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

12:02' - 16/01/2019
BNEWS ADB sẽ tài trợ thành phố Cần Thơ một số chương trình ngành, dự án trong nông nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp, sử dụng nguồn vốn vay thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Ngày 16/1, UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick về các gói hỗ trợ của ADB cho Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2023.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đặt mục tiêu trong thời gian tới thực hiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa Cần Thơ trên thị trường khu vực và toàn quốc; xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, ngành nông nghiệp Cần Thơ đặt trọng tâm trong việc xây dựng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố và cung ứng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để đạt các mục tiêu trên, thành phố cần tiến hành xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn, vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị, vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái, vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học, vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng…

Theo kế hoạch, từ đây đến năm 2020, Cần Thơ phải đưa vào canh tác ít nhất 100.000 ha đất nông nghiệp sản xuất cây con gắn với các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ; trong đó, đưa 20.000 ha vào ứng dụng kỹ thuật cao, chuyển 25.000 ha đất trồng lúa hiệu quả chưa cao sang nuôi trồng thủy sản và cây con khác.

Đây là những yêu cầu đòi hỏi một nguồn lực lớn, cả về nhân lực, tài lực, vật lực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tại Cần Thơ hiện nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng vì lãi suất cao, nợ xấu hoặc doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện do ngân hàng đưa ra.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Trước thực tế trên, thành phố Cần Thơ hy vọng Ngân hàng ADB hỗ trợ trong việc nghiên cứu thị trường, phát triển đầu ra cho nông sản địa phương; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa và nhất là tiếp cận vay lại nguồn vốn vay thông thường (OCR).

Phản hồi về đề nghị của lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick trình bày tổng quan về các Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp của Việt Nam (CDTA) và Dự án hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao năm 2019, chuẩn bị cho Dự án nâng cao tính cạnh tranh và thương mại hóa kinh tế nông thôn năm 2020 của ADB với các địa phương tiềm năng ở Việt Nam; trong đó, có Cần Thơ – trung tâm nông nghiệp, “vựa lúa” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nội dung đề xuất, Ngân hàng ADB sẽ tài trợ một số chương trình ngành, dự án hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cho các bên liên quan, tăng cường tính cạnh tranh trong nông nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ADF) và nguồn vốn vay thông thường (OCR) thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với thành phố Cần Thơ, ông Sidgwick đề xuất thành phố tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp và Dự án hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao năm 2019 của ADB, đồng thời tích hợp các dự án này vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của thành phố.

Các chương trình nằm trong dự án gồm: xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp thành phố; đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất lúa, rau quả, vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chương trình phát triển kênh sản xuất phân phối tiêu thụ nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín kết hợp du lịch sinh thái,...

Đối với chương trình xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng ADB đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ xem xét địa điểm đặt tại Nông trường sông Hậu hoặc Nông trường Cờ Đỏ. Bởi, qua nghiên cứu sơ bộ của các chuyên gia từ ADB, đây là những khu vực thuận tiện cho việc điều phối hoạt động của mạng lưới nông nghiệp công nghệ cao cũng như thực hiện phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới.

Cùng đó, đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật mới; chuyển giao công nghệ; thông tin, quảng bá, thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp.

Về vấn đề chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, Ngân hàng ADB sẽ cử chuyên gia đến Cần Thơ hỗ trợ ngành nông nghiệp thành phố cải tạo và phát triển hệ thống nhân giống, sản xuất lúa giống nguyên chủng, xác nhận, giống cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, sản xuất thử, trình diễn các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Ngoài ra, cung cấp các dịch vụ ứng dụng và chuyển giao công nghệ đến người dân; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cây con, nuôi thủy sản nước ngọt; hoàn chỉnh qui trình chế biến gạo cao cấp theo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm thế giới (EU, Hoa Kỳ).

Ngoài ra, ADB cũng sẽ hỗ trợ Cần Thơ thực hiện đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản địa phương. Song song với đó, kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã, các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; cung cấp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt,...

Ông Sidgwick nhấn mạnh, mục tiêu của các gói hỗ trợ trên không đơn giản chỉ là chuyển giao kỹ thuật mang tính tạm thời mà hướng đến kết quả lâu dài, bền vững là giúp ngành nông nghiệp địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ cao; hỗ trợ hoạt động sản xuất trước và sau thu hoạch; nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, tìm kênh phân phối ổn định; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững, bảo vệ môi trường,...

Để đáp ứng yêu cầu của Dự án, Ngân hàng ADB đề nghị thành phố Cần Thơ cần xác định mục tiêu chính theo từng ngành hàng cụ thể; xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; các ngành hàng chiến lược chính của địa phương trong phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp; xác định đối tác quan trọng để hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp của địa phương…để tiếp cận với Dự án được thuận lợi hơn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh thống nhất với các kế hoạch, đề xuất của Ngân hàng ADB, đồng thời cam kết Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chuyên gia từ ngân hàng đến hợp tác, làm việc tại thành phố. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ Ngân hàng ADB về vấn đề hồ sơ, thủ tục để dự án được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả./.

Xem thêm:

>>Bắc Giang: Làm giàu từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

>>Xu hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục