ADB tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

16:13' - 15/09/2020
BNEWS Các chuyên gia ADB nhận định, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Điều đó sẽ giúp kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi.
 

Tại cuộc họp báo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 15/9 tại Hà Nội, các chuyên gia ADB đều có chung nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Điều đó chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam  có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia ADB cũng cảnh báo, nguy cơ lớn từ đại dịch COVID-19 vẫn còn. Với sự kéo dài của đại dịch trên toàn cầu cũng đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm sau, bên cạnh những mối đe dọa khác như căng thẳng thương mại toàn cầu, sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính...

Báo cáo của ADB công bố tại họp báo chỉ ra rằng, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam còn được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Phân tích nội tại các vấn đề của nền kinh tế ADB, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế ADB cho biết, tăng trưởng kinh tế trong nước đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1 năm 2020 xuống 0,4% trong quý 2, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56%, làm cho mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong năm nay. Du lịch nội địa bắt đầu phục hồi vào tháng 5 và tháng 6, nhưng lại bị chững lại do COVID-19 quay trở lại vào tháng 7.

Tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp cũng giảm một nửa, từ 2,3% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 1,2% trong cùng kỳ năm nay do nhu cầu xuất khẩu giảm, nhưng cũng do phải chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập niên qua, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 0,8%, lâm nghiệp tăng 2,1% và thuỷ sản tăng 2,4%.

Tăng trưởng trong ngành công nghiệp và xây dựng giảm mạnh từ 8,9% cùng kỳ năm trước xuống còn 3%. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu giảm từ 11,2% xuống 5%, trong khi sản lượng các ngành khai thác khoáng sản giảm 5,4%. Việc hạn chế đi lại và lượng cầu yếu đã kéo tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm từ 7,9% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 4,5% trong cùng kỳ năm nay.

Tăng trưởng chậm lại được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn, ông Cường nhấn mạnh. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong tám tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, tiêu dùng công cộng tăng lên do chi tiêu của Chính phủ, nâng mức tăng trưởng từ 5,6% trong 6tháng đầu năm 2019 lên 6,1% trong cùng kỳ năm nay. Tăng trưởng suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người lao động mất việc làm.

Trong 8 tháng năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời kỳ, 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Tăng trưởng tổng mức đầu tư nội địa giảm từ 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 1,9% trong cùng kỳ năm nay do đầu tư nước ngoài thu hẹp. Từ tháng 1 đến tháng 8, số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài là 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước  Trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 30,4%, ước đạt 11 tỷ USD.

Do nền kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát bình quân giữ ở mức 4,2% trong 6tháng đầu năm, mức bình quân thấp nhất được ghi nhận kể từ đầu năm. Tính từ đầu năm cho đến tháng 8, lạm phát bình quân tiếp tục giảm xuống 4%...

Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm xuống mức tương đương 1% GDP năm 2020 và phục hồi nhẹ, lên mức 1,5% vào năm 2021. Mặc dù xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng cuối năm, nhập khẩu dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, giữ cán cân thương mại duy trì thặng dư.

Tuy nhiên, mức thặng dư này không phải là một chỉ báo về sức khỏe kinh tế, vì nó phát sinh từ việc sản lượng và nhu cầu đều suy yếu. Trong khi đó, áp lực làm cho tài khoản vãng lai giảm khả năng lớn nhất đến từ nguồn kiều hối, được dự báo sẽ giảm 18% trong năm 2020.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến.

Tuy nhiên, theo ông Cường, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục