Agribank đưa trải nghiệm ngân hàng số đến vùng sâu, vùng xa

18:45' - 08/04/2024
BNEWS Trong chiến lược số hóa nông thôn, Agribank đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, giúp người dân dễ dàng tiếp cận từ những dịch vụ cơ bản nhất.

Với hơn 3.500 ATM/CDM (trong đó gần 2.000 máy được đặt ở khu vực nông thôn), gần 25.000 máy POS và 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động tại các địa bàn nông thôn, Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp - nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân tại cả khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Trong chiến lược số hóa nông thôn, Agribank đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, giúp người dân dễ dàng tiếp cận từ những dịch vụ cơ bản nhất.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Agribank lên kế hoạch triển khai lắp đặt theo lộ trình máy giao dịch ngân hàng tự động Agribank Digital tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những nơi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông thường để người dân có thể sử dụng tiện ích ngân hàng số cho các hoạt động dịch vụ công cũng như giao dịch thường nhật.

Ngân hàng tự động Agribank Digital là hàng loạt công nghệ hiện đại, tân tiến nhất hiện nay như định danh điện tử (eKYC); nhận diện sinh trắc học (khuôn mặt Face ID, nhận diện vân tay)... với khả năng an toàn và bảo mật cao. Mỗi máy Agribank Digital được trang bị đầy đủ các chức năng nghiệp vụ giao dịch ngân hàng như định danh, đăng ký thông tin sinh trắc học khuôn mặt, vân tay; đăng ký mở tài khoản, phát hành thẻ trực tuyến; đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử; đăng ký vay vốn trực tuyến; các giao dịch tài chính bằng sinh trắc học.

Với trải nghiệm Agribank Digital, mọi giao dịch được tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh chóng, độ chính xác cao. đồng thời trao quyền cho khách hàng tự phục vụ các nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Agribank còn liên tục ra quân phủ sóng rộng rãi các sản phẩm thanh toán hiện đại, hỗ trợ các dịch vụ thẻ trên địa bàn huyện, thị xã, thị trấn với các giao dịch thuộc lĩnh vực dịch vụ công (thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí…), thanh toán vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán nông sản đầu ra của khách hàng hộ sản xuất, cá nhân...

Là ngân hàng chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, Agribank xác định mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động là phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn, kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.

Sản phẩm Thẻ Lộc Việt Agribank tích hợp hai ứng dụng thẻ “ghi nợ” và “tín dụng” trên cùng một con chip với đầy đủ các tính năng của thẻ ghi nợ nội địa cũng như thẻ tín dụng nội địa hạng chuẩn, giúp khách hàng tiện lợi hơn khi thanh toán, bảo mật cao nhờ công nghệ thẻ chip hiện đại. 

Ngoài ra, Agribank còn trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân.

Việc triển khai Đề án có vai trò và ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đầy lùi nạn tín dụng đen, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn.

Với những tính năng ưu việt, sản phẩm Thẻ Lộc Việt Agribank và Ngân hàng số Agribank Digital đều dành được "Giải thưởng Sao Khuê” năm 2021 và 2023 với sứ mệnh “Thúc đẩy nền tảng giải pháp số - Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số”. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục