Agribank Long An: Giữ chữ tín để đối mặt với sức ép cạnh tranh

21:05' - 28/06/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó ngân hàng cũng là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng.

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó ngân hàng cũng là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An (Agribank Long An) vẫn phát huy hiệu quả hoạt động, hỗ trợ khách hàng bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đồng thời tích cực triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Thài - Giám đốc Agribank Long An. 

PV: Luôn thuộc top đầu trong hệ thống các chi nhánh của Agribank trên cả nước, đâu là bí quyết để Agribank Long An duy trì thành tích này, thưa ông?

Giám đốc Nguyễn Kim Thài: Có thể nói, trong 5 năm trở lại đây, Agribank Chi nhánh Long An luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao thuộc top đầu hệ thống. Có được kết quả này nhờ kế thừa thành quả của Agribank Long An qua nhiều thế hệ và đặc biệt là việc chúng tôi luôn luôn xác định trung thành với tệp khách hàng truyền thống là nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Agribank Long An luôn gắn bó với “Tam nông”  khi dư nợ dành cho khu vực này chiếm tới 90% tổng dư nợ của Chi nhánh. 

Hiện Agribank Long An đang có tới 54.000 khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp - nông thôn. Trong tổng dư nợ cho vay gần 17.000 tỷ đồng thì cho vay hộ sản xuất và cá nhân nông nghiệp - nông thôn chiếm tới gần 15.000 tỷ đồng, trong đó Chi nhánh tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay chương trình hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch… 

Khách hàng gắn bó như vậy thì thì trọng trách của chúng tôi là đoàn kết, thống nhất nội bộ để tiếp tục kế thừa, gìn giữ nguồn khách hàng truyền thống, đồng thời mở rộng và tiếp cận tốt hơn với khách hàng doanh nghiệp, chứ không phải chỉ dừng lại ở khách hàng truyền thống, vì trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, dừng lại là mình “chết”.

PV: Thị trường nông nghiệp - nông thôn vốn là thế mạnh của Agribank. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế sôi động với sự xuất hiện của rất nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn Long An, sự cạnh tranh chắc hẳn rất khó khăn?

Giám đốc Nguyễn Kim Thài: Với lợi thế cửa ngõ miền Tây tiếp giáp với Tp. Hồ Chí Minh, Long An là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, khu công nghiệp nhiều, nông nghiệp cũng phát triển mạnh. Cũng có thể nói, thiên thời, địa lợi, cùng với sự năng động của lãnh đạo các cấp nên nhịp độ phát triển kinh tế của Long An khá sôi động, kéo theo nhu cầu vốn trên địa bàn gia tăng nhanh. 

Qua một chặng đường kinh doanh, không chỉ các ngân hàng trong nước, mà cả các ngân hàng nước ngoài cũng nhận ra thị trường bán lẻ, đặc biệt là thị trường nông nghiệp - nông thôn mới là mảnh đất màu mỡ. Nắm bắt xu thế phát triển đó, địa bàn Long An gần như có mặt đầy đủ tất cả các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài đang hoạt động.

Sức ép cạnh tranh rất lớn nhưng nhờ có truyền thống đứng chân trên địa bàn từ sớm, phát huy vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng đầu tư cho “Tam nông”, Agribank là một trong những ngân hàng “đầu tàu” ở tỉnh Long An, với thị phần chiếm trên 30%. 

Cho vay nông nghiệp - nông thôn đặc thù là món nhỏ lẻ, rủi ro cao do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai và sự bấp bênh của thị trường, cán bộ tín dụng rất vất vả. Chúng tôi vẫn luôn quán triệt với trên 400 cán bộ, nhân viên vấn đề đạo đức cán bộ là số 1. Do đó, cùng với việc chặt chẽ trong quy trình kiểm tra, giám sát, đối soát, chúng tôi đặc biệt coi trọng nắm bắt đời sống, tâm tư anh em, quán triệt chữ tín Agribank Long An xây dựng được với khách hàng bắt đầu từ chính sự tin tưởng của khách hàng, của bà con với từng cán bộ tín dụng Agribank dưới địa bàn từ cấp xã, huyện... 

Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh với rất nhiều tổ chức tín dụng hiện nay, cùng với việc giữ chữ tín, Agribank Long An cũng thay đổi tư duy trong tiếp cận và chăm sóc khách hàng, nhất là việc nắm bắt nhu cầu và thấu hiểu khách hàng. Ngay từ những vấn đề tiếp cận khách hàng như thế nào, như trước đây, ngày lễ tết, sinh nhật, chúng tôi cho cán bộ đến nhà tặng quà khách hàng, nhưng thực tế cũng tùy từng khách hàng, bởi trong giao dịch với ngân hàng, khách hàng cũng có những điều tế nhị. Do đó, phải lựa chọn cách tiếp cận phù hợp. 

Hay như vấn đề tỷ lệ huy động và cho vay luôn chênh lệch, áp lực về huy động nhưng chúng tôi cũng quan niệm không phải cứ nhắm tới khách hàng có tiền là vận động, chèo kéo khách hàng gửi tiền vào nơi mình, mà chúng tôi hướng tới vận động những người có tiếng nói, có uy tín trong cộng đồng quảng bá cho mình...

PV: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chung tay thực hiện "mục tiêu kép" - vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Agribank là một trong những ngân hàng chủ động, nhanh chóng, kịp thời vào cuộc tích cực hỗ trợ khách hàng bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Vậy chủ trương này đã được Agribank Long An triển khai như thế nào, thưa ông?

Giám đốc Nguyễn Kim Thài: Thực hiện Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribannk Long An đã tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó, đặc biệt lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, xuất khẩu… 

Chúng tôi đã chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay. 

Tính đến giữa tháng 5, số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 66 khách hàng với số dư 53 tỷ đồng. Thực tế trên tinh thần nỗ lực hết sức để hỗ trợ khách hàng, chúng tôi cũng tự cân đối thực hiện chính sách giảm nợ, giãn nợ, điều chỉnh linh hoạt theo giới hạn tối thiểu - tối đa của Agribank, giúp khách hàng yên tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, giảm bớt thiệt hại. Cùng với đó, Chi nhánh cũng chủ động xây dựng lộ trình và áp dụng triệt để các biện pháp an toàn tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.

PV: Được biết, Agribank Long An là một trong những chi nhánh triển khai thí điểm Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank với kết quả khả quan. Ông có thể cho biết cụ thể việc triển khai đề án này?

Giám đốc Nguyễn Kim Thài: Được giao nhiệm vụ thí điểm nên Agribank Long An rất ý thức và trách nhiệm với Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi đã phát hành trên 3.500 thẻ thấu chi trong tổng số 5.000 thẻ theo chỉ tiêu được giao và dự kiến hết tháng 6 sẽ hoàn thành số còn lại. 

Về hiệu quả, có thể khẳng định đây là sản phẩm đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của nông dân. Triển khai đề án này, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ “phủ sóng” rộng hơn nữa, gắn bó sâu hơn nữa sự hiện diện của Agribank trong đời sống của bà con nông dân. Đây còn là cách để tăng khả năng cạnh tranh của Agribank trong bối cảnh rất nhiều tổ chức tín dụng muốn khai thác thị trường nông thôn.

Khi triển khai, chúng tôi có báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban và nhận được sự quan tâm lớn của chính quyền địa phương các cấp. Còn với nông dân, có thể nói đây là sản phẩm mới, lạ nhưng được đón nhận nhiệt tình vì thông thường thấu chi phải thực hiện qua trả lương, nhưng đây lại cấp trực tiếp cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn với thủ tục mở thẻ đơn giản, không cần thế chấp, hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng, giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Từ đó, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn.

Kinh nghiệm triển khai thẻ thấu chi của Agribank Long An là tiếp cận khách hàng có nền tảng quan hệ tín dụng với Agribank. Các chi nhánh cũng tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực làm việc với các hội, tổ chức xã hội thông qua tổ vay vốn để tuyên truyền, quảng bá cũng như cập nhật được thông tin của các đối tượng khách hàng phù hợp. 

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS, xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu và tiện lợi cho khách hàng. Từ đó gia tăng số lượng thẻ và số dư giao dịch, phát huy hiệu quả thiết thực của Đề án.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục