Ai Cập kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương điều chỉnh tiêu chí cho vay

09:22' - 24/05/2023
BNEWS Việc điều chỉnh các tiêu chí cho vay sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhận được khoản vay, giữa lúc chi phí đi vay ngày càng tăng và gánh nặng nợ ngày càng lớn.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 23/5 đã kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương xem xét lại các tiêu chí và yêu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia nhận được các khoản vay ưu đãi.

 

Phát biểu tại phiên khai Hội nghị thường niên lần thứ 58 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) diễn ra từ ngày 23-26/5 tại thành phố Sharm EL-Sheikh ven Biển Đỏ của Ai Cập, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh: "Việc điều chỉnh các tiêu chí cho vay sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhận được khoản vay, giữa lúc chi phí đi vay ngày càng tăng và gánh nặng nợ ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến ngân sách của các quốc gia".

Ông El-Sisi nhấn mạnh những thách thức toàn cầu và tác động sâu sắc của chúng đối với châu Phi, bao gồm tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine và những căng thẳng chính trị quốc tế, vốn đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng lạm phát sâu rộng.

Nhà lãnh đạo Ai Cập nêu rõ: "Những thách thức như vậy đòi hỏi các ý tưởng phi truyền thống để cung cấp các lựa chọn tài chính, đặc biệt cho những lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững".

Ông El-Sisi cho biết, châu Phi hiện cần 200 tỷ USD/năm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, 144 tỷ USD mỗi năm để giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 và 108 tỷ USD/năm để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo Tổng thống Ai Cập, các quốc gia châu Phi cũng cần 3.000 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, tình trạng sa mạc hóa cũng như sự suy giảm năng suất trong ngành nông nghiệp.

Ông El-Sisi giải thích các mối đe dọa liên quan đến hạn hán ở các quốc gia trong lục địa châu Phi đã gây thiệt hại khoảng 70 tỷ USD và khiến ngành nông nghiệp sụt giảm khoảng 34%. Ông El-Sisi kêu gọi AfDB cung cấp các nguồn tài chính thỏa đáng cho sự phát triển của châu Phi đồng thời cũng giúp giảm thiểu các rủi ro tài chính.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi các tiêu chí và điều kiện cho vay của các tổ chức tài chính đa phương để cho phép các quốc gia tiếp cận các khoản vay ưu đãi (khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất) phù hợp với tình hình thực tế của các nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Tổng thống El-Sisi cũng kêu gọi khu vực tư nhân tham gia tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ai Cập Hassan Abdalla đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc AfDB, châu Phi đã được cam kết khoản tài chính khí hậu 30 tỷ USD, song châu lực này chỉ nhận được 12% khoản tiền đó.

Ông Abdalla kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ cải thiện năng lực tài chính của châu Phi nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong châu lục. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các dự án thân thiện với môi trường, chuyển từ đầu tư dựa trên nợ sang đầu tư vốn thực tế và tăng cường quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân.

Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm AfDB Akinwumi Adesina nói rằng các nước phát triển nên thực hiện cam kết cung cấp khoản tài chính khí hậu 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho hành động khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.

Theo ông Adesina, AfDB đang dẫn đầu các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên khắp châu lục và đã dành 63% nguồn tài chính khí hậu cho các hoạt động thích ứng, mức cao nhất trong số tất cả các ngân hàng phát triển đa phương.

Ông Adesina cho hay châu Phi hiện đang trong tình trạng thiếu hụt tài chính khí hậu. Lục địa này sẽ cần 2.700 tỷ USD vào năm 2030 để tài trợ cho các nhu cầu liên quan đến biến đổi khí hậu dựa trên Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của châu Phi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục