Kiều hối của Ai Cập từ các nước Arab sụt giảm

08:13' - 22/05/2023
BNEWS Theo Ngân hàng Trung ương Ai Cập, kiều hối của lao động Ai Cập ở nước ngoài đã giảm 23% xuống còn 12 tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính 2022/2023 từ khoảng 15,6 tỷ USD của một năm trước đó.

Theo một tuyên bố từ Cơ quan Thống kê và huy động công trung ương Ai Cập (CAPMAS) ngày 21/5, kiều hối của Ai Cập từ các nước Arab đã sụt giảm trong năm tài chính 2021/2022, trong khi trao đổi thương mại hai chiều gia tăng trong năm 2022.

Kiều hối của công dân Ai Cập từ các nước Arab đã sụt giảm xuống còn 21,5 tỷ USD trong năm tài chính 2021/2022, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Saudi Arabia đứng đầu trong số các nước Arab đóng góp lượng kiều hối lớn nhất cho những lao động người Ai Cập với 10,9 tỷ USD. Trong khi đó, kiều dân Ai Cập tại Kuwait, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Qatar đã chuyển về nước số tiền lần lượt 4,5 tỷ USD; 3,5 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.

Kiều hối là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập cùng với xuất khẩu, du lịch và doanh thu từ Kênh đào Suez.

Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng cho thấy kiều hối của lao động Ai Cập ở nước ngoài đã giảm 23% xuống còn 12 tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính 2022/2023 từ khoảng 15,6 tỷ USD của một năm trước đó.

Trong khi đó, trao đổi thương mại giữa Ai Cập và thế giới Arab đã tăng 16,4% lên 29 tỷ USD trong năm 2022 từ mức 25 tỷ USD của năm 2021.

Xuất khẩu của Ai Cập sang các nước Arab tăng 10% trong cùng khoảng thời gian, đạt 12,2 tỷ USD. Saudi Arabia đứng đầu trong số những nhà nhập khẩu các sản phẩm của Ai Cập thuộc thế giới Arab với tổng trị giá 2,5 tỷ USD.

UAE đứng thứ hai với kim ngạch nhập khẩu 1,9 tỷ USD, tiếp theo là Libya (1,2 tỷ USD), Sudan (930 triệu USD) và Morocco (880 triệu USD).

Saudi Arabia cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thuộc khối Arab sang Ai Cập trong cùng thời kỳ, với tổng giá trị 7,9 tỷ USD, tiếp theo là Kuwait với giá trị sản phẩm 3,3 tỷ USD, trong khi UAE đứng thứ ba với 2,9 tỷ USD.

Trong năm tài chính 2021/2022, UAE là nước đứng đầu khối Arab đầu tư vào Ai Cập với số vốn 10 tỷ USD. Tiếp theo sau là Saudi Arabia với 8,5 tỷ USD, Qatar với 3,1 tỷ USD, Bahrain với 410,2 triệu USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục