Airbus: Lợi nhuận ròng tăng mạnh trong quý III/2023​

07:00' - 19/11/2023
BNEWS Lợi nhuận ròng đã đạt 863 triệu USD, trong khi doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái lên 14,9 tỷ euro. Airbus đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất máy bay sau khi phải thu hẹp quy mô do dịch COVID-19.

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus cho biết lợi nhuận ròng trong quý III/2023 đã tăng 21% nhờ hoạt động lắp ráp và bàn giao nhiều máy bay hơn cho khách hàng.

Lợi nhuận ròng đã đạt 806 triệu euro (863 triệu USD), trong khi doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái lên 14,9 tỷ euro. Airbus đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất máy bay sau khi phải thu hẹp quy mô đáng kể trong giai đoạn dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury cho biết trong báo cáo thu nhập rằng thu nhập trong thời gian từ tháng 1-9/2023 phản ánh số lượng máy bay thương mại được bàn giao cao hơn, máy bay trực thăng cũng ghi nhận hiệu suất tốt, cũng như các khoản phí liên quan đến việc đánh giá lại một số chương trình phát triển vệ tinh.

 
Giống như đối thủ Mỹ Boeing, Airbus được thanh toán khi bàn giao máy bay cho khách hàng. Hãng này đã bàn giao 172 máy bay cho khách hàng trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng số lượng máy bay được bàn giao cho đến nay lên tới 488 chiếc. Airbus vẫn duy trì mục tiêu giao tổng cộng 720 máy bay thương mại trong năm nay.

Trong năm 2019, hãng này đã bàn giao con số kỷ lục 863 máy bay thương mại, trước khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động đi lại trên toàn cầu.

Airbus cũng duy trì triển vọng lợi nhuận hoạt động sau điều chỉnh là 6 tỷ euro. Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến hoạt động du lịch hàng không quốc tế gần như ngừng hoạt động vào năm 2020, các hãng hàng không đã nhanh chóng quay trở lại đặt hàng máy bay mới, mà giúp tiết kiệm đáng kể nhiên liệu.

Tổng số đơn đặt hàng của Airbus hiện có tổng cộng gần 8.000 máy bay, tăng so với con số 7.482 ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Những hạn chế trong chuỗi cung ứng đã làm cản trở các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, trong đó Airbus đã dành ra khoản phí dự phòng 400 triệu euro cho việc chậm trễ giao hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục