Airbus: Thế giới cần 39.000 máy bay chở khách và chở hàng mới trong 20 năm tới

15:19' - 15/11/2021
BNEWS Trong 20 năm tới, thế giới sẽ cần khoảng 29.700 máy bay nhỏ như dòng máy bay A220 và A320, cũng như khoảng 5.300 máy bay có kích cỡ trung bình như A321XLR và A330neo.

Đại diện Tập đoàn Airbus vừa cho biết, trong 20 năm tới, Airbus dự báo nhu cầu vận tải hàng không sẽ chuyển dần từ tăng trưởng đội bay sang tăng tốc ngừng sử dụng các máy bay cũ hơn và ít tiết kiệm nhiên liệu hơn, dẫn đến nhu cầu cần khoảng 39.000 máy bay chở khách và chở hàng mới; trong đó có 15.250 chiếc thay thế máy bay cũ. 

Cụ thể, vào năm 2040, phần lớn máy bay thương mại đang hoạt động sẽ thuộc thế hệ mới nhất, tăng 13% so với hiện nay, giúp cải thiện đáng kể hiệu suất phát thải CO2 của các đội tàu bay thương mại trên thế giới. Lợi ích kinh tế của hàng không còn vượt ra ngoài lĩnh vực của nó, đóng góp khoảng 4% vào GDP toàn cầu hàng năm và duy trì khoảng 90 triệu việc làm trên toàn thế giới.

Mặc dù đã mất gần hai năm tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn COVID-19 nhưng lưu lượng hành khách đã cho thấy khả năng phục hồi và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm là 3,9% mỗi năm. Mức tăng trưởng này có được nhờ sự mở rộng nền kinh tế và thương mại trên toàn cầu bao gồm cả du lịch. Đặc biệt, dự báo tầng lớp trung lưu, những người thích đi máy bay nhất cũng sẽ có sự tăng trưởng. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng lưu lượng hàng khách nhanh nhất sẽ thuộc về châu Á với di chuyển nội địa; trong đó Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất.

Cũng theo dự báo của Airbus, thế giới sẽ cần khoảng 29.700 máy bay nhỏ như dòng máy bay A220 và A320, cũng như khoảng 5.300 máy bay có kích cỡ trung bình như A321XLR và A330neo. Trong phân khúc máy bay cỡ lớn tiêu biểu như A350, thế giới sẽ cần khoảng 4.000 đơn hàng dự kiến vào năm 2040.

Về nhu cầu vận chuyển hàng hóa được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của thương mại điện tử, cụ thể là sự tăng trưởng của dịch vụ chuyển phát nhanh là 4,7% mỗi năm và hàng hóa nói chung (chiếm khoảng 75% thị trường) là 2,7%. Nhìn chung, trong 20 năm tới, thế giới sẽ cần khoảng 2.440 máy bay chở hàng mới; trong đó có 880 chiếc sẽ được lắp ráp mới.

Cùng với sự tăng trưởng, việc khai thác các máy bay ngày càng tiết kiệm nhiên liệu hơn trên toàn cầu làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ hàng không thương mại - bao gồm bảo trì, đào tạo, nâng cấp, hoạt động bay, tháo dỡ và tái chế. Mức tăng trưởng này đang đi đúng hướng như dự báo trước đại dịch của Airbus, đạt giá trị tích lũy khoảng 4,8 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới.

Trong khi tiếp tục trải qua mức sụt giảm liên quan đến COVID-19 khoảng 20% trong giai đoạn 2020-2025, thị trường dịch vụ đang phục hồi dẫn đến nhu cầu cần hơn 550.000 phi công mới và hơn 710.000 nhân viên kỹ thuật trình độ cao trong 20 năm tới. Trong khi bảo trì sẽ vẫn là phân khúc dịch vụ hàng đầu, các hoạt động khai thác bay, dịch vụ mặt đất và các dịch vụ bền vững cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể.

Ông Christian Scherer, Giám đốc Thương mại kiêm Giám đốc Airbus International cho biết “Khi các nền kinh tế và vận tải hàng không chín muồi, chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng được thúc đẩy bởi sự thay thế hơn là tăng trưởng. Sự thay thế đang là động lực quan trọng nhất hiện nay để khử cacbon. Thế giới đang mong đợi hoạt động bay bền vững hơn và điều này sẽ thành hiện thực trong thời gian ngắn nhờ sự ra đời của hầu hết các loại máy bay hiện đại”.

Ngoài ra, ông Christian Scherer còn cho rằng, việc cung cấp năng lượng cho những chiếc máy bay mới, tiết kiệm nhiên liệu này bằng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là đòn bẩy lớn tiếp theo. 

“Các dòng máy bay của hãng gồm máy bay A220, dòng A320neo, A330neo và A350 - đã được cấp chứng nhận bay với tỷ lệ nhiên liệu 50% SAF, và sẽ tăng lên 100% vào năm 2030 - trước khi Airbus hiện thực hóa dự án máy bay không khí thải ZEROe từ năm 2035 trở đi”, ông Christian Scherer thông tin.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, dòng sản phẩm của Airbus hỗ trợ mức cải thiện hiệu suất phát thải CO2 ít nhất 20% so với máy bay thế hệ trước. Với những đổi mới liên tục, không ngừng phát triển sản phẩm, cải thiện hiệu quả khai thác cũng như đưa ra các tùy chọn của máy bay dựa trên nhu cầu của thị trường, Airbus đang hỗ trợ mục tiêu của ngành vận tải hàng không là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục