Amazon - Đa dạng hóa để giữ chân khách hàng

08:10' - 12/09/2021
BNEWS Trong hành trình gần 30 năm phát triển của mình, Amazon đã chuyển đổi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác và đạt nhiều thành tựu ở từng lĩnh vực.

Với hai dòng TV Omni (cao cấp) và TV 4-Series (bình dân), Amazon chính thức bước chân vào con đường tự sản xuất ti vi. Những mẫu ti vi do Amazon phát triển có nhiều tùy chọn kích thước màn hình cũng như các công nghệ nghe nhìn cao cấp.

Các mẫu này sẽ được “lên kệ” trên trang web của Amazon và thông qua Best Buy vào tháng Mười tới, với mức giá thấp nhất là 370 USD và cao nhất là 1.099,99 USD. Tất cả đều hỗ trợ video 4K.

* Sắc nét qua những chiếc ti vi

Trước khi ra mắt Amazon TV, Amazon đã bán ra rất nhiều chiếc streaming stick Amazon Fire TV Stick trên trang web của mình.

Đây là một thiết bị nhỏ gọn tương tự như một chiếc USB và cắm trực tiếp vào đầu vào video HDMI của ti vi, thay vì lưu trữ các tệp, nó là một trình phát trực tuyến đầy đủ tính năng, có thể biến bất kỳ ti vi nào có cổng HDMI thành Smart TV. Đây được xem là tiền đề cho sự ra đời của những chiếc ti vi mang thương hiệu Amazon.

Amazon đã làm việc với các nhà sản xuất khác, như Toshiba và Insignia ở Mỹ, để thiết kế ti vi với giao diện Amazon Fire của riêng mình, cung cấp khả năng điều khiển bằng giọng nói và dễ dàng truy cập vào ứng dụng xem phim, chương trình truyền hình chất lượng Amazon Prime Video và các dịch vụ phát trực tuyến khác.

Các đối thủ cạnh tranh khác của Amazon như Roku và Google cũng đã phát triển và sở hữu streaming stick của riêng mình, hay hợp tác với các nhà sản xuất thứ ba. Tuy nhiên, Amazon là hãng đầu tiên ra mắt ti vi tự sản xuất.

Trả lời phỏng vấn CNBC trong một cuộc họp báo, Amazon cho biết hãng muốn phát triển một thiết bị của riêng mình để tích hợp tốt hơn phần mềm Fire TV với tính năng điều khiển bằng giọng với Alexa.

Điều này cũng cho phép Amazon tự do định giá bán sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ như cách mà hãng này đã làm với chiếc máy tính bảng Fire của mình. Chiếc máy tính bảng Fire của Amazon được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với mức giá bán iPad của Apple.

Thêm vào đó, Amazon có thể kiểm soát phần trải nghiệm để cung cấp cho người dùng những thiết lập “không gây khó chịu”.

Amazon cho biết hãng này sẽ cung cấp một bản cập nhật vào cuối năm nay cho phép các khách hàng kiểm soát các thiết bị thông minh xung quanh nhà như đèn, máy ghi hình và bộ điều nhiệt, bằng cách sử dụng bảng điều khiển phần mềm xuất hiện trên ti vi.

* Sáng tạo không ngừng nghỉ

Amazon Fire TV là sản phẩm mới nhất trong chiến lược phát triển liên tục của Amazon. Trong hành trình gần 30 năm phát triển của mình, Amazon đã chuyển đổi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác và đạt nhiều thành tựu ở từng lĩnh vực.

Không giống như Apple, Google, và Microsoft, Amazon không bị cố định với một hệ sinh thái thiết kế chặt chẽ với ứng dụng và dịch vụ. Thay vào đó, tỷ phú Jeff Bezos quyết định mục tiêu của Amazon tập trung vào các nền tảng phục vụ khách hàng tốt nhất và nhanh nhất có thể.

Ông chủ Bezos chia sẻ: “Khách hàng của chúng tôi trung thành với chúng tôi cho đến giây phút ai đó đem đến cho họ một dịch vụ tốt hơn. Và tôi thích điều đó. Đó là động lực lớn đối với chúng tôi”. Động lực đó đã giúp Amazon tạo ra hàng loạt sản phẩm sáng tạo tuyệt vời.

Chẳng hạn như Prime được tạo ra vào năm 2005 vì Amazon hiểu rằng khách hàng muốn mua sản phẩm chất lượng với ít tiền hơn và khách hàng muốn nhận sản phẩm nhanh nhất có thể. Prime dường như là một giải pháp đáp ứng cả hai nhu cầu của phân khúc khách hàng này.

Amazon Prime còn mang đến cho người dùng một số tiện ích tuyệt vời khác như Prime Video cung cấp hàng ngàn các bộ phim được phát trực tuyến cùng với các bộ phim không giới hạn thành viên dùng thử.

Bên cạnh đó, Amazon Prime không ngừng phát triển và đổi mới mở rộng nội dung Prime Video. Nếu bạn yêu thích âm nhạc, thì Amazon có ngay Prime Music.

Thay vì mất phí cho việc nghe và lưu trữ những bài hát hay video nhạc yêu thích, đến với Amazon Prime bạn sẽ không mất thêm bất kì chi phí nào khác mà có thể nghe được kho nhạc khổng lồ với nhiều bài hát có tính phí.

Hoặc bạn có thể chơi trò chơi miễn phí với Twitch Prime. Còn một tiện tích đi kèm đó là Prime Photo, kho lưu trữ ảnh khổng lồ với tính năng bảo mật cao, cho phép bạn lưu hết những khoảnh khắc đẹp trong Amazon Cloud Drive mà không lo tràn bộ nhớ.

Bên cạnh việc làm hài lòng khách hàng, thì Amazon cũng mang đến nỗi lo cho nhiều công ty công nghệ. Bạn đừng nghĩ rằng mang danh nghĩa là một tập đoàn thương mại điện tử thì chỉ có thể đe dọa các công ty thương mại điện tử khác như Alibaba hay Walmart.

Bạn có thể thấy Amazon đã phát triển rất nhiều lĩnh vực từ những thử nghiệm ban đầu của mình.

Với Amazon Echo, Fire tablet, Dash… công ty hoàn toàn có tiềm năng đi sâu vào lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng, cạnh tranh trực tiếp với Samsung, LG và nhiều hãng khác. Hay với Amazon Go, gã khổng lồ này có thể tự tin cạnh tranh với các nền tảng thanh toán khác như AliPay, Apple Pay…

Nền tảng đám mây của Amazon, Amazon Web Service (AWS) đã tiến rất xa trong khi Google, Microsoft phải vất vả “chạy theo”.

Chẳng phải tự nhiên mà Airbnb và Netflix lựa chọn dịch vụ của Amazon chứ không phải các công ty khác. Tính đến quý IV/2019, theo khảo sát của ParkMyCloud, thị phần của AWS đang ở ngôi đầu bảng với 32,6% thị phần.

Trong khi đó, ba “gã khổng lồ” Microsoft, IBM và Google ra mắt dịch vụ điện toán đám mây trước, nhưng chỉ xếp sau Amazon. Ít nhất kể từ năm 2014, hơn một nửa lợi nhuận hoạt động mỗi năm của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon là từ mảng điện toán đám mây AWS.

Đó là một bộ phận kinh doanh ấn tượng về lợi nhuận tính theo USD, không chỉ về tỷ lệ phần trăm. AWS kết thúc năm 2020 với lợi nhuận hoạt động đạt 13 tỷ USD, giúp Amazon đạt tổng lợi nhuận ròng 21 tỷ USD.

Gần đây nhất, báo chí đưa thông tin về việc lĩnh vực quảng cáo của Amazon lớn mạnh nhanh chóng, đe dọa “hất cẳng” Google và Facebook. Amazon là một công ty không bị bó buộc vào một hệ sinh thái nào, và họ cũng nắm được những dữ liệu quan trọng để đón đầu xu hướng.

Google biết khách hàng tìm kiếm gì, Facebook hiểu khách hàng thích gì. Nhưng Amazon, nhờ nền tảng thương mại điện tử, họ hiểu rõ khách hàng mua gì, bao lâu thì cần đặt lại sản phẩm đó. Về độ hiểu khách hàng, cả Facebook lẫn Google khó có thể vượt qua.

Có thể thấy, câu chuyện thành công của Amazon và những công thức “thần kỳ” của Jeff Bezos luôn gợi sự tò mò. Và mặc dù có rất nhiều lý do đưa thương hiệu Amazon vượt lên những cái tên lớn khác, song có hai điều cốt lõi mà nhiều người phải công nhận giá trị làm nên “đế chế” Amazon đó là Jeff Bezos và Amazon Web Service.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục