AMRO: Động thái của Fed ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ Hàn Quốc

07:09' - 28/04/2023
BNEWS Theo AMRO, việc Fed thay đổi lập trường chính sách tiền tệ đã khiến thị trường biến động mạnh hơn, khi các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn bằng đồng USD.
Theo bài bình luận ngày 27/4 trên trang chủ của AMRO, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay đổi lập trường chính sách tiền tệ đã khiến thị trường biến động mạnh hơn, khi các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn bằng đồng USD trong bối cảnh tâm lý e ngại môi trường rủi ro.

 
Là một nền kinh tế có độ mở cao, Hàn Quốc rất nhạy cảm với những thay đổi bất ngờ trong lập trường chính sách tiền tệ của Mỹ. Nguy cơ dòng vốn chảy ra đáng kể và đồng tiền quá yếu là một phần lý do khiến Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tăng lãi suất chính sách khá lớn, lên đến 200 điểm cơ bản, trong năm 2022, bao gồm hai lần tăng mạnh 50 điểm cơ bản mỗi lần vào tháng Bảy và tháng Mười.

Bên cạnh đó, những diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước cũng được cân nhắc, vì lạm phát đã tăng và vẫn ở mức cao trong khi triển vọng tăng trưởng xấu đi, trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu.

Trong Báo cáo tham vấn thường niên năm 2022 về Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu đã sử dụng Mô hình tài chính vĩ mô toàn cầu (AGMFM) của AMRO với 48 nền kinh tế, bao gồm tất cả 14 nền kinh tế của ASEAN+3, để mô phỏng tác động của việc tăng lãi suất của Fed đối với lộ trình lãi suất chính sách của BoK và kinh tế Hàn Quốc thông qua các kênh truyền tải sản lượng thực tế, giá cả và cán cân thanh toán. Nhiều kịch bản tăng lãi suất của Fed vào cuối năm 2023 đã được xem xét, và nói chung, việc Fed thắt chặt chính sách sẽ tạo ra sự đánh đổi chính sách đối với BoK.

Các mô phỏng chỉ ra rằng khoảng cách lãi suất ngắn hạn giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo thời gian trong mọi kịch bản tăng lãi suất của Fed, nhưng sẽ là tối ưu nếu BOK chỉ đi theo một phần con đường thắt chặt của Fed.

Đặc biệt, quy mô và tốc độ tăng lãi suất của BoK sẽ gần như tương xứng với của Fed. Điều này chủ yếu là để đạt được sự cân bằng giữa dòng vốn chảy ra cao hơn do khoảng cách lãi suất mở rộng và lạm phát cao hơn nhưng đồng thời tăng trưởng GDP cũng cao hơn.

Sự thích ứng phù hợp của BoK với tốc độ thắt chặt của Fed sẽ làm giảm dòng vốn chảy ra (và do đó gây áp lực lên tỷ giá hối đoái) và lạm phát, nhưng cũng sẽ làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP. Việc thắt chặt chính sách tích cực hơn của Fed sẽ dẫn đến những tác động kinh tế lớn hơn dưới những phản ứng tối ưu từ BOK./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục