Ấn Độ điều tra ca tử vong đầu tiên ở người do cúm gia cầm

16:25' - 22/07/2021
BNEWS Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nhà chức trách nước này đang điều tra ca tử vong đầu tiên ở người do cúm gia cầm vào đầu tháng này.

Bệnh nhân là một bé trai 11 tuổi sống tại thành phố Gurgaon ngoại ô thủ đô New Delhi. Ngoài mắc cúm gia cầm, cậu bé còn bị bệnh bạch cầu và viêm phổi. Cậu bé nhập viện ngày 2/7 và qua đời 10 ngày sau đó với các triệu chứng suy đa tạng.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết quá trình giải trình tự bộ gene và phân lập virus đang được tiến hành. Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng đang điều tra dịch tễ học.

Cũng theo bộ trên, virus ở ca bệnh tử vong thuộc biến chủng virus nhóm H5Nx và đây là điều đáng lo ngại vì chúng đã được chứng minh là có thể biến đổi thành các chủng có độc lực cao. Các bác sĩ và y tá điều trị cho bệnh nhân đã được theo dõi từ ngày 16/7 và hiện không trường hợp nào có triệu chứng mắc cúm.

Việc theo dõi tiếp xúc cũng được thực hiện và đến nay không ghi nhận bất kỳ triệu chứng nào ở các thành viên trong gia đình, cũng như ở những người từng tiếp xúc gần và các nhân viên y tế.

Bệnh cúm gia cầm chủ yếu xuất hiện ở các loài chim và gia cầm. Trường hợp lây truyền bệnh này giữa người với người cực kỳ hiếm. Các trường hợp người nhiễm virus H5N1 và H7N9 xuất hiện tại châu Á từ năm 2013.

Dịch cúm H5N1 bùng phát lần đầu tiên vào năm 1997 và lây lan mạnh trong giai đoạn từ năm 2003 – 2011. Trong khi đó, dịch cúm H7N9 lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 2013.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), có 1.668 người nhiễm virus cúm H7N9, trong đó 616 trường hợp tử vong kể từ năm 2013.

Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã công bố ca bệnh cúm gia cầm đầu tiên ở người. Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Nga phát hiện căn bệnh này ở các công nhân làm việc tại một nhà máy sơ chế gia cầm.

Ấn Độ đã trải qua các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm gây thiệt hại lớn trong nhiều thập kỷ gần đây, nghiêm trọng nhất là vào năm 2008, khiến hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục