An Giang trải thảm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu

12:06' - 06/02/2019
BNEWS An Giang là 1 trong 4 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương gồm: Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
An Giang trải thảm kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển thương mại, có lợi thế về kinh tế biên giới với chiều dài gần 100km tiếp giáp với Campuchia; nằm ở vị trí trung tâm kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn, gồm Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ (Việt Nam) và Phnompenh (Campuchia)...

Đây được xem là những lợi thế rất lớn của tỉnh An Giang trong thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang cho biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tự do hóa thương mại với các nước ASEAN đã mở ra triển vọng rất lớn trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam nói chung và các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu của An Giang nói riêng.

Các khu công nghiệp và khu chức năng thuộc khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên các chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất,… được hưởng vượt trội so với các tỉnh khác và mức ưu đãi đầu tư được tính tối đa theo quy định.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang, khi các doanh nghiệp đến đầu tư tại An Giang, các doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp; miễn tiền thuê đất từ 11 năm sau thời gian được được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản đối với đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Đối với nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh sẽ được miễn tiền thuê đất từ 7-15 năm kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động… Đối với khu kinh tế cửa khẩu, các dự án đầu tư sẽ được An Giang ưu đãi thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới; thuế suất 10%trong suốt thời gian thực hiện dự án…..

Với các ưu đãi hấp dẫn như trên, tỉnh An Giang kỳ vọng thời gian tới, các khu công nghiệp, khu chức năng thuộc khu kinh tế cửa khẩu An Giang sẽ có một sức hút rất lớn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang có 33 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.242 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện khoảng 2.873 tỷ đồng; trong đó, có 6 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 142 triệu USD, tổng vốn đã thực hiện 84 triệu USD.

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang, đã tăng cường thu hút mời gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, dự án FDI và các dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, các dự án thân thiện môi trường; tăng cường liên kết, tiếp xúc các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhất là các nhà đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu để làm cầu nối gặp gỡ, mời gọi thêm nhà đầu tư tiềm năng vào Khu kinh tế cửa khẩu, Khu công nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh mời gọi nhà đầu tư kinh doanh, xây dựng hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, Khu công nghiệp.

Từ đó, kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đã có nhiều khả quan, khởi sắc, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp khá cao.

Để các Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu An Giang phát triển bền vững, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, dự án FDI và dự án công nghiệp hỗ trợ, các dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, các dự án thân thiện môi trường.

Nhưng không quên yếu tố giải quyết việc làm như sản xuất các linh phụ kiện phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, may mặc, rau quả đông lạnh, điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc, chế biến nông thủy sản,….

Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác tối đa thị trường nội địa để thay thế hàng nhập khẩu. An Giang tục tăng cường cải cách hành chính nhất là giải quyết và thực hiện tốt các thủ tục hành chính theo cơ chế “ Một cửa liên thông”.

Cùng đó, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dịch vụ hành chính công tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh và tăng cường giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 3, 4 nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư gắn với đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư để thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp và hình thành các khu vực cửa khẩu như kho bãi, dịc vụ logistics, đô thị, …. trong các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.

Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn vay, lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển các doanh nghiệp tư nhân, huy động vốn ứng trước của dân và doanh nghiệp cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, An Giang cũng tranh thủ các nguồn vốn, trong đó ưu tiên tranh thủ các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng của khu kinh tế cửa khẩu; đồng thời, tập trung phát triển các đô thị cửa khẩu; hình thành trung tâm du lịch sinh thái khu kinh tế cửa khẩu có sức thu hút và liên kết chặt chẽ với hệ thống du lịch của tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với việc triển khai đồng bộ những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thời gian tới tỉnh An Giang cũng quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tập trung hỗ trợ dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang triển khai hoạt động được thuận lợi và có hiệu quả (xúc tiến đầu tư tại chỗ) nhằm thông qua các nhà đầu tư này để quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư của tỉnh nói chung và nói riêng của Khu kinh tế cửa khẩu và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Xem thêm:

>>Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu hút đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2019

>>Hàng loạt dự án đầu tư mới vào Bắc Ninh trong ngày đầu năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục