Sân bay có phải nơi an toàn?

11:07' - 11/09/2021
BNEWS Sân bay quốc tế là nơi tập trung các loại phương tiện và hạ tầng phục vụ ngành vận tải toàn cầu, nên đây là mục tiêu dễ bị các đối tượng cực đoan, tội phạm và tin tặc công nghệ nhắm tới.

Bài viết với tiêu đề “Sân bay có phải là nơi an toàn?” đăng trên trang mạng Stratfor (Mỹ) đã đưa ra những phân tích về tình trạng ở các sân bay trên thế giới và đưa ra giải pháp ứng phó với rủi ro tiềm ẩn khi khách di chuyển bằng đường hàng không. 

Sân bay quốc tế vốn là nơi tập trung các loại phương tiện và hạ tầng phục vụ ngành vận tải toàn cầu, cho nên đây chính là mục tiêu dễ bị các đối tượng cực đoan, tội phạm, tin tặc công nghệ và các cơ quan phản gián nhắm tới. 

Trong khi đó, các loại tội phạm vì mục đích tài chính lại nhắm tới lượng khách giàu có di chuyển thường xuyên bằng đường hàng không quốc tế. Các nhóm biểu tình dân sự cũng muốn tiến hành các sự kiện tụ họp đông người ở sân bay, bởi như vậy có thể cản trở các chuyến bay, khiến đông đảo người dân biết tới vấn đề mà họ đang muốn truyền tải tới nhà chức trách. 

Ngoài ra, sân bay cũng là nơi có điều kiện hết sức thuận lợi giúp các nhân viên tình báo tiếp cận với mục tiêu tiềm năng mà họ muốn nhắm tới, giúp các tin tặc dễ dàng xâm nhập hệ thống Wi-Fi để tiếp cận các mục tiêu trong tầm ngắm.

Những nguy cơ mang tính quân sự và cực đoan

Các biện pháp an ninh tăng cường, nỗ lực thu thập thông tin phản gián và phong trào hồi giáo cực đoan xuyên quốc gia bị suy yếu là những nguyên nhân khiến các vụ khủng bố trên máy bay sụt giảm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Thế nhưng, các nhà ga sân bay giờ đây lại trở thành nơi dễ xảy ra sự cố nhất.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2021, phi hành đoàn trên chuyến bay Delta Airlines 386 từ Los Angeles tới Nashville đã phải khống chế một hành khách đang định phá cửa buồng lái của phi công để buộc các phi công phải chuyển hướng bay tới Albuquerque, New Mexico. Mặc dù hiện vẫn chưa rõ động cơ đằng sau vụ không tặc này là gì, nhưng có thể thấy đó là lý do vì sao phải thiết kế cửa buồng lái thật chắc chắn và đào tạo phi công ứng phó với những tình huống kiểu như vậy.

Việc các nhà chức trách tăng cường thu thập thông tin phản gián cũng phá vỡ nhiều âm mưu mới ở giai đoạn lên kế hoạch. Tháng 7/2019, chính quyền Philippines đã bắt giữ Cholo Abdi Abdullah, người Kenya, và trao đối tượng này cho cảnh sát Mỹ để xét xử liên quan tới âm mưu gây ra vụ khủng bố 11/9/2001. Nỗ lực của các nước trong việc tăng cường bảo vệ an ninh cho ngành hàng không về cơ bản đã giúp giảm thiểu nhiều âm mưu phá hoại nhằm vào khách đi lại bằng đường hàng không. 

Trong khi đó, các nhóm vũ trang tại những khu vực có xung đột trên thế giới cũng thường nhắm tới mục tiêu sân bay một cách trực tiếp hay gián tiếp. Và bởi các lực lượng an ninh quốc gia thường đóng quân luôn tại các sân bay dân sự cho nên chính họ cũng trở thành các mục tiêu của các nhóm vũ trang. 

Hồi tháng Bảy vừa qua, một số nhóm vũ trang đã sử dụng máy bay không người lái tấn công sân bay quốc tế Erbil tại Iraq. Tháng 6/2021, các nhóm vũ trang tại Pakistan đã sử dụng máy bay không người lái ném ít nhất hai thiết bị nổ vào doanh trại Không quân Ấn Độ gần sân bay Jammu. Trước đó, hồi tháng 5/2021, các hãng hàng không quốc tế đã phải tạm ngừng các chuyến bay tới sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv sau khi hàng loạt quả rocket được ném từ Dải Gaza do cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Palestine.

Các sân bay và đặc biệt là các nhà ga sân bay vốn từ lâu đã là mục tiêu mà các hoạt động tội phạm nhắm tới và có ảnh hưởng không nhỏ tới những người đi lại bằng đường hàng không, từ móc túi cho tới lấy trộm hành lý, taxi chặt chém cho tới các loại lừa đảo. Đó là chưa kể tới các vụ tội phạm cũng có thể xảy ra ở trong khu vực đỗ xe, nơi hàng nghìn xe để đó không ai để ý, thậm chí các nhóm tội phạm có tổ chức còn nhắm tới cả luồng xe ra vào các sân bay.

Tội phạm an ninh mạng cũng ngày càng trở thành mối quan ngại đối với những người thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không. Nhiều chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng không đã nêu những rủi ro tiềm ẩn khi kết nối với mạng Wi-Fi miễn phí ở các sân bay, ví dụ như bị xâm nhập dữ liệu và lấy cắp dữ liệu.

Nhiều phần mềm ưu việt hơn thậm chí còn cho phép những kẻ đột nhập lấy được thông tin bảo mật để truy cập thông tin trên thẻ tín dụng hoặc các thông tin cá nhân nhạy cảm khác. Trong khi đó, việc mang các loại vũ khí không gian mạng như các phần mềm mã độc vào các nhà ga sân bay còn dễ hơn nhiều so với việc muốn mang các loại vũ khí thông thường như dao, súng hay chất nổ.

Do các mạng Wi-Fi ở sân bay thiếu tính bảo mật nên sân bay cũng trở thành nơi các cơ quan phản gián của nhà nước sở tại lợi dụng để thu thập thông tin. Năm 2014, một số thông tin rò rỉ từ Edward Snowden cho thấy các biện pháp giám sát mà Canada áp dụng có cả theo dõi các mạng Wi-Fi miễn phí tại Sân bay Quốc tế Toronto Pearson mà không cần bất kỳ một nhân viên nào của họ phải có mặt ở sân bay đó.

Nguy cơ bị gián điệp theo dõi

Các gián điệp nước ngoài hay trà trộn dưới vỏ bọc là các doanh nhân và đó là lý do vì sao chính các khách doanh nhân lại bị kiểm tra còn kỹ hơn ở sân bay để loại trừ những kẻ trà trộn vào vì mục đích khác.

Cơ quan hải quan ở các sân bay cũng được phép kiểm tra đồ cá nhân, kể cả các phương tiện điện tử, thậm chí các chính phủ cũng có thể yêu cầu khách tới nước họ phải cung cấp mã truy cập vào các thiết bị điện tử mà không cần lý do. Nếu không tuân thủ thì bị từ chối nhập cảnh và phải về nước. 

Cơ quan hải quan Mỹ báo cáo rằng trong tài khóa 2020, họ đã tiến hành kiểm tra 32.038 thiết bị điện tử của khách và con số này chỉ bằng 1% lượng khách quốc tế ra vào Mỹ trong năm 2020. Hải quan các nước khác không công bố con số họ kiểm tra thiết bị điện tử của khách, nhưng chắc chắn đó phải là một con số cao hơn rất nhiều.

Tất nhiên, việc kiểm tra thiết bị điện tử này cũng gây ra các mối lo ngại về quyền riêng tư, nhất là khi việc thu giữ thiết bị để kiểm tra nhưng chủ nhân của thiết bị lại không được chứng kiến hoặc khi hành, hành khách bị tách ra kiểm tra lại lần thứ hai và nhiều người bị ách lại ở khâu này tới vài giờ đồng hồ.

Trong lần kiểm tra thứ hai, điệp viên của nước đó có quyền lục soát không hạn chế đồ đạc và thiết bị điện tử cá nhân của khách mà không cần phải tiến hành việc đó trước mặt chủ nhân sở hữu những đồ đạc đó. Các thiết bị điện tử mà đã phải kiểm tra lần hai thì đều đã bị copy toàn bộ nội dung, thậm chí đôi khi bị cài luôn thêm phần mềm theo dõi và báo cáo trở lại cho nhà chức trách nước đó.

Trong khi đó, việc sử dụng mã để khóa thiết bị cũng không bảo vệ được họ bởi các nhà chức trách có quyền không cho bất kỳ người nào vào nước họ nếu không cung cấp mã khóa để họ có thể mở thiết bị và kiểm tra. Vì thế, hành khách tốt nhất hãy để những thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm hoặc thiết bị điện tử có nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm ở nhà, chỉ mang những thiết bị có tối thiểu thông tin để bạn có thể kết nối về nhà.

Nguy cơ bị ách tắc bởi các nhóm biểu tình

Tầm quan trọng chiến lược của các sân bay trong vận tải quốc tế cũng có nghĩa là nếu làm gián đoạn hoạt động của các nơi này thông qua các hoạt động biểu tình thì sẽ thu hút được sự chú ý của giới chức và công chúng tới vấn đề mà người biểu tình muốn truyền tải. Chính vì vậy, các cuộc đình công bởi nhân viên hàng không thường xuyên diễn ra vào mùa du lịch và vào những ngày nghỉ lễ đông người bay nhằm gây sức ép với giới quản lý một cách hiệu quả nhất.

Những sự kiện làm gián đoạn hoạt động hàng không như vậy lại tạo cơ hội cho những người biểu tình có tiếng nói trên truyền thông, báo chí.

Nguy cơ tấn công mạng

Chính bởi có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời lại là đích đến mà các cá nhân, tổ chức tấn công muốn nhắm tới, nên khả năng sân bay bị các tin tặc do nhà nước hậu thuẫn tấn công chỉ là vấn đề sớm hay muộn. 

Mấy năm gần đây, tin tặc đã nhắm tới sân bay ở các nước như Iran bằng cách đưa thông tin kêu gọi chống chính phủ nước sở tại lên chính các bảng điện tử thường hiển thị thông tin chuyến bay. 

Ngoài động cơ chính trị, nhiều vụ tin tặc tấn công mang tính tội phạm cũng gia tăng gần đây. Hồi năm 2019, nhiều bảng thông tin chuyến bay ở sân bay quốc tế Cleveland Hopkins đã sập vì bị tấn công mạng đòi tiền chuộc. 

Tại châu Âu, các hãng hàng không đã thống kê có 775 vụ tin tặc tấn công, hầu như đều vì động cơ tài chính, và có tới quá nửa số vụ này gây ra thiệt hại về tài chính. 

Có thể nói, xu hướng tấn công đòi tiền chuộc lại nổi lên trong năm nay, do các băng nhóm có tổ chức thực hiện, đồng thời lượng người đi lại qua sân bay và đường hàng không lại gia tăng, nên hành khách cần đề cao cảnh giác và sẵn sàng đối phó với các hoạt động tấn công mạng có thể xảy ra trong thời gian tới.

Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi đi lại bằng đường hàng không?

Để giảm thiểu hàng loạt rủi ro có thể xảy ra ở sân bay, hành khách nên hạn chế tối đa thời gian ở sân bay và phải luôn có phương án dự phòng. Các chuyến bay quốc tế có thể rất hỗn loạn và việc làm thủ tục ở sân bay mỗi nơi mỗi khác, thế nên nếu có sự chuẩn bị cẩn thận thì mới có thể tập trung quan sát xung quanh. Hành khách đặc biệt cần cân nhắc nếu định dùng mạng Wi-Fi miễn phí ở sân bay hay mua đồ trực tuyến ở sân bay.

Với những người nổi tiếng hay doanh nhân đi lại với nhiều đồ có giá trị, thì việc lên kế hoạch một cách cẩn trọng càng cần thiết hơn. Những người này cần hết sức kín đáo và thận trọng khi mua những món đồ đắt tiền và đi lại mang đồ đắt tiền để tránh biến mình thành mục tiêu bị nhắm tới.

Hành khách cũng nên giảm thời gian có mặt ở những nơi ngoài vùng đảm bảo an ninh tại các ga đi và đến ở sân bay. Các vụ tấn công thường hay xảy ra ở những nơi mà điều kiện an ninh lỏng lẻo hơn. Do đó, nên thỏa có thuận xe đưa đón sân bay từ trước khi đi chứ không nên tới nơi mới tìm xe để thuê. 

Hành khách cũng nên theo dõi, cập nhật tình hình chính trị, xã hội tại nơi sắp đến bởi nếu ở đó đang không ổn định thì chuyến đi có thể bị ảnh hưởng ít nhiều./.

Bài tiếp: An ninh du lịch hậu COVID-19 - Bài 3: Nguy cơ tiềm ẩn khi lưu trú ở khách sạn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục