Làm sao để giữ an toàn khi đi du lịch nước ngoài?

11:30' - 11/09/2021
BNEWS Việc tìm hiểu các rủi ro tiềm ẩn trước khi khởi hành sẽ giúp mỗi người có chuyến đi thành công, dù là phục vụ công việc hay nghỉ dưỡng.

Nguy cơ an ninh có thể xảy ra ở bất cứ đâu, không chỉ ở sân bay, khách sạn hay sự kiện hội nghị. Do đó, theo trang mạng Stratfor (Mỹ), mỗi người khi có mặt ở những nơi như vậy cần chuẩn bị tâm lý ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra. Việc tìm hiểu các rủi ro tiềm ẩn trước khi khởi hành sẽ giúp mỗi người có chuyến đi thành công, dù là phục vụ công việc hay nghỉ dưỡng.

Điều đầu tiên, đừng ăn mặc quá nổi trội

Khi tới những nơi khác, nhất là ở nước ngoài, bạn không nên trưng diện đồ quá bắt mắt, nổi bật để mình có thể hòa vào đám đông dễ dàng bởi sự nổi trội sẽ khiến bạn dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công. Hãy để ý cách sống và văn hóa bản địa để không có những kiểu ứng xử quá khác người, gây chú ý khi ở nước ngoài. Chúng tôi đề cập thuật ngữ “travelling gray” (tạm dịch: di chuyển với trang phục màu xám) ở đây với hàm ý khách du lịch không nên ăn mặc nổi trội để đảm bảo an toàn cho chính họ.

Việc “trà trộn” với người bản địa vì nhiều lý do là khó khăn, ví dụ như do sự khác biệt về màu da. Tuy nhiên, mỗi người hoàn toàn có thể kiểm soát hành vi, cách ứng xử của mình để dễ dàng hòa nhập với môi trường bản địa hơn. Hãy tìm hiểu trước, nếu người bản địa thường đi bên tay phải, bạn hãy đi bên tay phải, nếu họ không nhìn trực diện vào mắt người đối thoại hay quen tiêu tiền mặt chứ không phải thẻ, bạn hãy làm tương tự. 

Mặc dù vậy, bạn cũng không nên cảnh giác quá. Nếu bạn lúc nào cũng bận tâm ngó nghiêng quan sát, chuẩn bị tâm thế đối phó như thể sắp bị tấn công thì chẳng thể nào tập trung được vào công việc chính (nếu đó là một chuyến công tác) hay tận hưởng niềm vui trải nghiệm (nếu đó là một chuyến du lịch). Hơn nữa, trên thực tế, cũng khó có để lúc nào cũng cảnh giác cao độ trong suốt một quãng thời gian dài liên tục. 

Đảm bảo an toàn cho chính mình về mặt kỹ thuật số

Công nghệ kỹ thuật số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống cũng có nghĩa là chúng ta cần cân nhắc đến việc đảm bảo an toàn cho chính mình về mặt kỹ thuật số khi di chuyển sang nước khác như đã đề cập ở các bài trước.

Trước mỗi chuyến đi, bạn nên cân nhắc mang những đồ công nghệ gì đi theo và lựa chọn xem mình sẽ chia sẻ trực tuyến những vấn đề gì. Không nên chia sẻ quá chi tiết về kế hoạch chuyến đi hay dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội.

Chẳng hạn như đưa thông tin về chuyến đi Mexico sắp tới của bạn lên Facebook có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu biết được kế hoạch và chúng sẽ nhắm tới việc đột nhập nhà bạn trong lúc bạn đi vắng. Nói chung, không nên đặt chế độ “công khai” trên mạng xã hội khiến ai cũng xem được tất cả thông tin về bạn. Nếu bạn vẫn muốn chia sẻ thông tin về chuyến đi, hãy chia sẻ sau khi đã đi về.

Khi tới các nước khác, cần biết rằng một số quốc gia cấm một số phương tiện điện tử thông dụng cho nên nếu mang theo bạn sẽ gặp rắc rối không đáng có. Ví dụ, điện thoại vệ tinh bị coi là bất hợp pháp ở Bangladesh, Trung Quốc, Myanmar và Nigeria. Nga, Ấn Độ và một số nước khác có luật quy định rõ về các phương tiện sử dụng vệ tinh, kể cả đối với các thiết bị theo dõi cá nhân như SPOT. 

Ở Trung Quốc, một số mạng xã hội của phương Tây và thư điện tử không được phép sử dụng. Nigeria và Ấn Độ gần đây cũng ra quy định hạn chế dùng Twitter khiến người dùng mạng này ở các nước đó gặp khó, bị gián đoạn thường xuyên. Hàng chục quốc gia hiện đã tạm dừng hoặc cấm vĩnh viễn một số dịch vụ trực tuyến do bạo loạn chính trị, tình trạng tin giả lan tràn và thậm chí do nguyên nhân là tình trạng gian lận trong thi cử.

 

Trước khi lên đường đi nước ngoài, bạn cần tìm hiểu luật lệ quốc gia mà bạn sắp tới, nhất là những vấn đề liên quan tới việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như thế nào để tránh bị gián đoạn thông tin hay gặp rắc rối không đáng có ở nơi đến.

Nhận thức tình huống

Dù bạn ở đâu hay đang làm gì, một yếu tố cơ bản để đảm bảo an toàn cho cá nhân là phải nhận thức tình hình xung quanh và có sự chuẩn bị nhất định để ứng phó với các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nguyên nhân chủ yếu khiến người Mỹ tử vong khi ở nước ngoài thường liên quan tới tai nạn giao thông và đuối nước. 

Sự nhận thức tình huống xung quanh của mỗi người và nhờ đó, nhận biết những rủi ro tiềm ẩn hay tình huống nguy hiểm, là vấn đề liên quan tới tư duy nhiều hơn là kỹ năng cứng. Đây không phải là thứ mà mỗi người có thể học ngay được chỉ trong ngày một ngày hai mà cần có trải nghiệm và rèn luyện thường xuyên. 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Để chuẩn bị cho một chuyến đi sắp tới, bạn cần bắt đầu rèn luyện thói quen từ bây giờ. Dưới đây là hướng dẫn sơ bộ về các mức độ cảnh giác khác nhau theo mô hình màu sắc Coopers, được áp dụng trong huấn luyện cho các lực lượng thực thi pháp luật và lực lượng quân sự nhưng cũng có thể áp dụng đối với người dân.

Có 5 cấp độ màu sắc giúp nhận biết sự phản ứng trong từng tình huống. Đầu tiên là màu tím, thể hiện sự choáng váng, mê muội, tê liệt hoàn toàn khi gặp tình huống nguy hiểm và khủng hoảng, không biết phản ứng thế nào với tình huống xảy ra vì bị bất ngờ do không có sự chuẩn bị gì để ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra.

Thứ hai là màu đỏ, là tình trạng báo động. Tình huống gặp nguy hiểm đã xảy ra và cần phải hành động ứng phó nhanh chóng với tình huống xảy ra, phản ứng nhanh để tồn tại. Điều này giống như khi bạn thấy có kẻ rút súng ra và một người trước mặt đổ gục xuống thì bạn biết cần phải làm gì để cứu mạng mình, hay khi bạn lái xe thì biết khi nào phải phanh gấp để tránh tai nạn.

Thứ ba là màu cam, thể hiện sự tập trung cao độ, cẩn trọng quan sát các mối đe dọa tiềm ẩn, bỏ qua tất cả những gì xung quanh không liên quan để đạt tới sự tập trung cao nhất cho mục tiêu đang quan sát. Điều này cũng giống như khi bạn phải tập trung lái xe trong điều kiện thời tiết xấu hay giao thông đông đúc, hỗn loạn.

Thứ tư là màu vàng, có nghĩa là dù đang nhận thức tình hình xung quanh như vẫn có thể tận hưởng thư giãn. Bạn vẫn quan sát, nhưng vẫn sẵn sàng đối phó nếu có thách thức xảy ra. Điều này giống như khi lái xe, bạn vẫn có thể tận hưởng được không gian và cảnh đẹp trên đường nhưng vẫn không quên nhìn các gương để quan sát tình huống giao thông nhằm kịp thời xử lý.

Cuối cùng là màu trắng, khi bạn không để ý xung quanh. Tức là bạn không hề để ý và nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh và khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Đây là tình trạng hoàn toàn mất tập trung, lơ đễnh, chỉ tập trung vào điện thoại mà không nắm bắt được tình hình xung quanh.

Hiểu được các cấp độ màu sắc khác nhau như vậy sẽ giúp bạn lựa chọn phù hợp khi nào nên cảnh giác cao độ và khi nào thì không cần phải như vậy. Cơ thể và tâm trí chúng ta đều cần có lúc nghỉ ngơi cho nên mỗi ngày chúng ta cần phải dành vài giờ đồng hồ để nghỉ ngơi. 

Khi ở nơi công cộng tốt nhất bạn hãy ở chế độ “màu vàng” để tránh trở thành mục tiêu bị tấn công và thích nghi với môi trường mới. Khi ở trạng thái thư giãn “màu vàng” bạn sẽ dễ dàng chuyển sang cấp độ “da cam” cảnh giác cao độ trong trường hợp có nguy cơ xảy ra nguy hiểm. Nếu nguy cơ đó phát triển thành mối nguy hiểm thực sự thì bạn sẽ chủ động chuẩn bị chuyển sang cấp độ “màu đỏ” và ứng phó hiệu quả với mối nguy hiểm mới xuất hiện đó.

Điểm mấu chốt của quá trình “nhận biết tình huống” là phải tránh để bản thân rơi vào trạng thái “màu tím” (hay thường gọi là trạng thái tê liệt, mê muội), tức là hoàn toàn bị động khi có mối đe dọa xuất hiện. Đây là trạng thái tê liệt phản ứng mà một số người đã rơi vào và kể lại khi họ đối mặt với khủng hoảng. Họ không thể chạy trốn cũng không thể phản ứng với mối đe dọa đang xảy ra và cơ bản là đầu hàng số phận ngay lập tức.

Như đã đề cập, lúc nào cũng ở trong trạng thái tập trung cao độ là điều không ai có thể làm được trong một thời gian dài. Bất kỳ ai đã trải qua tình huống nguy hiểm hay khẩn cấp đều chứng thực rằng sau đó họ rơi vào tình trạng kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.

Do đó, để có thể duy trì được trạng thái nhận thức tình huống một cách thoải mái và chuẩn bị cho chuyến đi, bạn hãy tìm hiểu các nguy cơ có thể xảy ra, lên kế hoạch hành động giúp cho bản thân xác định được các tình huống nguy hiểm một cách nhanh chóng, tiết kiệm năng lượng cho những việc cần phải tiến hành ngay lập tức. 

Đi ra nước ngoài không đơn giản chỉ là làm sao tránh mất đồ đạc có giá trị hay bảo vệ được tài sản sở hữu trí tuệ của cá nhân hay tổ chức mà bạn đại diện mà đó có thể còn là các chuyến đi làm ăn quan trọng, gặp người thân hay đơn giản là trải nghiệm du lịch tới những vùng đất mới. 

Trong đó, việc đảm bảo an toàn cho chính mình phải là ưu tiên hàng đầu cho bất kỳ ai sắp lên đường và bạn hãy chuẩn bị cho chuyến đi của mình một cách tốt nhất, đảm bảo an toàn cho mình một cách tốt nhất để làm sao không rơi vào tình huống bị động khi khủng hoảng bất ngờ xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục